Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ (NARA) ngày 1/2 công bố loạt biên bản giải mật về một số cuộc gặp giữa các quan chức Nga - Mỹ sau khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991. Vào thời điểm này, các lãnh đạo mới của Nga đã kỳ vọng Moskva và Washington có thể trở thành đồng minh.
Nhưng theo biên bản cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ khi đó là George H.W. Bush và người đồng cấp Boris Yeltsin ngày 1/2/1992 tại trại David, Mỹ, Washington đã từ chối đề xuất của Moskva về việc coi hai nước là "đồng minh". Ông Yeltsin khi đó đang thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Mỹ.
Theo nội dung biên bản được giải mật, vào gần cuối cuộc gặp, tổng thống Nga Yeltsin hỏi ông Bush: "Chúng ta có còn là đối thủ nữa hay không".
"Không, chúng ta không còn là đối thủ", tổng thống Mỹ trả lời, thêm rằng một tuyên bố đã được chuẩn bị để đưa "hai bên thoát khỏi kỷ nguyên cũ" và đề nghị lãnh đạo Nga xem qua.
Sau khi xem xong, ông Yeltsin nói "trong tuyên bố không có đoạn nào ghi rằng hai nước không còn là đối thủ và đang tiến tới thành đồng minh".
"Tuyên bố có đề cập đến quan hệ hữu nghị", ngoại trưởng Mỹ khi đó là James A. Baker nói xen vào.
Nhưng ông Yeltsin tỏ ra không hài lòng, tiếp tục nhấn mạnh bản tuyên bố nên nêu rõ "hai nước đang chuyển từ giai đoạn đối thủ sang đồng minh". Theo ông, từ ngữ này tạo "chất lượng mới" cho thông điệp.
Ông Bush giải thích rằng việc chính quyền Mỹ "sử dụng ngôn ngữ mang tính chuyển tiếp này là vì không muốn hành động như thể mọi vấn đề giữa hai nước đã được giải quyết".
Trong cuộc gặp, tổng thống Yeltsin cũng nói rằng dù chính phủ Nga cam kết cải cách dân chủ và thị trường, đất nước đang trải qua "thời kỳ khó khăn", cần Mỹ "hỗ trợ và hợp tác, không phải viện trợ".
Lãnh đạo Nga cũng đưa ra một số đề xuất cắt giảm vũ khí hạt nhân và tạo một hệ thống phòng thủ tên lửa chung toàn cầu, song không được phía Mỹ đón nhận nhiệt tình.
Bất chấp khác biệt về quan điểm, cả hai lãnh đạo vào thời điểm đó đều mô tả cuộc gặp là "vô cùng tích cực".
Đây là lần đầu tiên Mỹ công bố nội dung cuộc thảo luận giữa ông Bush và ông Yeltsin. Các tài liệu liên quan đến cuộc gặp đã được NARA bảo mật trong suốt 30 năm qua.
Đức Trung (Theo NARA, RT)