Sau những lời ca ngợi cách Trung Quốc xử lý Covid-19 ban đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây có cách tiếp cận ngày càng quyết liệt khi bày tỏ sự "không hài lòng" với Bắc Kinh, cảnh báo Washington đang tiến hành các cuộc điều tra "vô cùng nghiêm túc", thậm chí đe dọa trừng phạt Trung Quốc và buộc nước này bồi thường thiệt hại.
"Chúng tôi không hài lòng với Trung Quốc, bởi chúng tôi tin rằng đại dịch có thể được ngăn chặn ngay từ đầu. Nó có thể đã được chặn đứng nhanh chóng và không lan rộng ra toàn thế giới", ông chủ Nhà Trắng phát biểu hôm 27/4, nói thêm rằng "có rất nhiều cách" buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm.
Đề cập tới bài xã luận trên tờ Bild của Đức, trong đó cho rằng Trung Quốc cần bồi thường Đức 160 tỷ USD vì thiệt hại kinh tế do nCoV, Trump cho biết Mỹ "đang thảo luận về số tiền nhiều hơn Đức bàn bạc". "Chúng tôi chưa xác định con số cuối cùng, nó rất lớn. Đây là thiệt hại cho nước Mỹ nhưng cũng cho cả thế giới", ông nói.
Theo bình luận viên Bonnie Kristian của NewsWeek, dù vẫn còn nhiều tranh cãi về đúng sai của Trung Quốc trong Covid-19, Trump có lẽ đã đúng khi cho rằng phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đã để lại hậu quả nghiêm trọng cả trong nước và toàn cầu. Bất chấp việc Bắc Kinh liên tục phủ nhận cáo buộc giấu dịch, giới chuyên gia đánh giá sự kiểm soát thông tin quá quyết liệt của họ khiến những lời cảnh báo sớm bị ngăn chặn.
Câu hỏi được đặt ra là liệu Mỹ có phương án nào nghiêm túc, khả thi để buộc Trung Quốc bồi thường thiệt hại hay không? Kristian nhận định bất cứ chính sách nào nhằm đạt được mục đích này đều phải vượt ra khỏi ranh giới chính trị, mang tính thực tế và không khiến tình hình tồi tệ hơn. Tuy nhiên, bình luận viên này cho rằng Trump và các cố vấn không vạch ra được biện pháp nào đáp ứng đủ các yêu cầu trên.
Phương án "trừng phạt Trung Quốc" đầu tiên được đề cập là hủy bỏ Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh, hoặc thúc đẩy làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc. Một số người ở Mỹ gần đây kêu gọi các nước không tham dự Olympic 2022, hoặc yêu cầu dán nhãn "Made in China" một cách rõ ràng bên ngoài mọi hàng hóa Trung Quốc để người tiêu dùng dễ dàng biết được nguồn gốc của món hàng định mua.
Kristian đánh giá rằng phương án này ít có nguy cơ châm ngòi cho phản ứng dữ dội từ Trung Quốc, nhưng chúng lại không có nhiều ý nghĩa, chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng và giúp Mỹ giữ thể diện. Trên thực tế, người Mỹ khó lòng tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ để phát đi thông điệp chính trị, sau khi họ vừa trải qua cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến hàng triệu người thất nghiệp và vô số doanh nghiệp phá sản.
Về việc đòi Bắc Kinh trực tiếp trả tiền bồi thường như tờ Bild kêu gọi, Kristian đánh giá điều này không khả thi. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng thừa nhận rằng ý tưởng yêu cầu Trung Quốc thanh toán tiền mặt là "ảo tưởng".
Kristian chỉ ra rằng Trung Quốc "không đời nào" chịu bỏ ra khoản tiền lớn để bồi thường cho những quốc gia bị Covid-19 tàn phá nặng nề. Chính quyền Trung Quốc dường như coi đây là động thái "không thể chấp nhận", khiến họ mất thể diện, không khác gì 450 triệu lạng bạc mà nhà Thanh phải bồi thường cho liên quân 8 nước sau phong trào Nghĩa Hòa Đoàn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Một ý tưởng khác mà các thành viên chủ chốt của đảng Cộng hòa đang tính đến là xây dựng một đạo luật tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia với Trung Quốc được quy định trong Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài.
Đạo luật này ngăn công dân Mỹ kiện chính phủ nước khác ra tòa án Mỹ. Khi thông qua đạo luật tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia với Trung Quốc, Mỹ có thể mở đường cho chính phủ, chính quyền các bang hoặc nạn nhân nCoV kiện Trung Quốc đòi bồi thường tổn thất.
Trump được cho là đã xem xét lựa chọn này, nhưng nó vẫn tồn tại nhiều rào cản. Việc yêu cầu miễn trừ đối với đạo luật cần sự phê chuẩn của quốc hội, trong khi phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện. Ngay cả khi đạo luật được thông qua và Trung Quốc bị tước quyền miễn trừ quốc gia, các chuyên gia pháp lý cho rằng vụ kiện đòi bồi thường của các cá nhân, tổ chức ở Mỹ cũng khó giành phần thắng.
Trong các vụ kiện như vậy, bị đơn Trung Quốc ít có khả năng hợp tác, trong khi việc theo đuổi những vụ kiện phức tạp có thể khiến Mỹ hứng chịu các đòn trả đũa pháp lý từ phía Trung Quốc.
Trump dường như còn cân nhắc phương án tăng cường chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khi nói rằng Washington có thể "thu 1.000 tỷ USD" bằng cách áp thuế với Bắc Kinh. Cách làm này được cho là phù hợp với những ưu tiên từ trước tới nay của Tổng thống Mỹ, đồng thời giúp ông tự hào về khoản tiền lớn mà ông buộc Trung Quốc phải bồi thường.
Tuy nhiên, theo Kristian, phương án này gây hại cho người Mỹ nhiều hơn là giúp họ, bởi người tiêu dùng sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua hàng nhập khẩu giá cao từ Trung Quốc. Nông dân và các nhà xuất khẩu Mỹ cũng khó thoát khỏi tổn thất, bởi Trung Quốc sẽ áp thuế trả đũa, khiến hàng hóa Mỹ tại nước này tăng giá, ảnh hưởng tới sức mua.
"Thuế quan thực chất đánh vào người dân chúng ta, không phải Bắc Kinh. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận giữa thời điểm khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng này", Kristian cho hay.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người có sức ảnh hưởng lớn tới chính sách đối ngoại của Trump, ủng hộ phương án áp lệnh trừng phạt Trung Quốc. Theo Kristian, ý tưởng này có thể thu hút Trump, dựa trên thực tế là chính phủ của ông đã áp đặt các lệnh trừng phạt ở mức kỷ lục, nhưng điều này cũng có nguy cơ gây tổn hại cho Mỹ.
"Áp lệnh trừng phạt hiếm khi thay đổi được hành vi của đối tượng bị trừng phạt theo hướng tích cực. Chúng còn thường gây ra hậu quả không mong muốn, bao gồm thúc đẩy tâm lý chống Mỹ, gây liên lụy tới những người bình thường không liên quan gì tới các hành động của chính phủ", Kristian giải thích, nói thêm rằng quan hệ Mỹ - Trung khó có cơ hội cải thiện nếu Washington dùng phương án này, với dẫn chứng là sự thù địch giữa Washington và Tehran sau loạt lệnh trừng phạt nặng nề của chính quyền Trump.
Kristian cho biết viễn cảnh trừng phạt tồi tệ nhất là bất kỳ xung đột quân sự nào, dù là cố ý hay là kết quả từ sự cố bất ngờ leo thang. Dù Mỹ có ưu thế quân sự so với Trung Quốc, chiến tranh ở cấp độ cường quốc như vậy sẽ hủy hoại an ninh, thịnh vượng và hòa bình trên thế giới, ảnh hưởng tới cả lục địa Mỹ. Đây là điều mà hầu hết người Mỹ đều khó chấp nhận, trong bối cảnh họ vừa hứng chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch và cần thời gian để phục hồi kinh tế.
Trong trường hợp các cuộc điều tra của Mỹ làm sáng tỏ trách nhiệm của Trung Quốc trong Covid-19, Kristian cho rằng chính quyền Trump nên cân nhắc sử dụng thông tin đó sao cho hợp lý, thay vì đòi bồi thường một cách vô ích hoặc tự gây tổn hại cho bản thân.
Theo bình luận viên này, lựa chọn khôn khéo nhất là sử dụng bằng chứng từ cuộc điều tra làm công cụ ngoại giao, nhằm thúc đẩy tính minh bạch và quá trình chia sẻ thông tin trong tương lai. Mục tiêu đúng đắn của việc buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm không phải đòi bồi thường, mà là ngăn chặn thảm họa toàn cầu khác, đồng thời giảm thiểu thiệt hại của Covid-19, Kristian nói.
Ánh Ngọc (Theo NewsWeek)