Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) ngày 7/2 thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ vũ khí tiềm năng trị giá 6,75 tỷ USD cho Israel, trong đó có 166 bom đường kính nhỏ, 2.800 bom nặng 250 kg, hàng nghìn bộ dẫn đường, ngòi nổ, các thành phần khác của bom cùng thiết bị hỗ trợ. Việc chuyển giao sẽ bắt đầu trong năm nay.
Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời cũng thông qua thương vụ bán 3.000 tên lửa Hellfire và thiết bị liên quan trị giá 660 triệu USD cho Israel, dự kiến bắt đầu bàn giao từ năm 2028.
Hellfire là tên lửa không đối đất tầm ngắn dẫn đường bằng laser, mang đầu đạn 8-9 kg, có thể được trang bị cho máy bay không người lái (UAV) và trực thăng.
DSCA cho biết các thương vụ tiềm năng này sẽ giúp Israel "cải thiện năng lực đối phó với những mối đe dọa hiện tại và tương lai".
Trong đó, lô bom và thiết bị liên quan sẽ hỗ trợ Israel "nâng cao năng lực phòng thủ đất nước và đóng vai trò răn đe những mối đe dọa trong khu vực", còn tên lửa Hellfire sẽ "tăng cường năng lực của không quân Israel trong bảo vệ biên giới, hạ tầng quan trọng và trung tâm dân cư".
Các thương vụ trên sẽ cần được quốc hội Mỹ chấp thuận trước khi chuyển lên Tổng thống Donald Trump ký phê duyệt.
Nghị sĩ Gregory Meeks, đảng viên Dân chủ cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã chỉ trích động thái của chính phủ, cho rằng chính quyền ông Trump đã phá vỡ tiền lệ lâu đời về quy trình xem xét của quốc hội đối với các thương vụ bán vũ khí lớn.
Trước đây, chủ tịch và các thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Thượng viện Mỹ thường xem xét trước những thương vụ này và yêu cầu thêm thông tin, trước khi chính phủ chính thức thông báo cho quốc hội để phê duyệt.
Nghị sĩ Meeks cho biết đã thảo luận với chính quyền ông Trump về quan ngại của mình đối với các thương vụ bán vũ khí cho Israel, thêm rằng phía hành pháp đã không cung cấp các tài liệu quan trọng hoặc lý do chính đáng liên quan kế hoạch. Ông nhấn mạnh quyết định phê duyệt của chính phủ thể hiện sự thiếu tôn trọng với nhánh lập pháp.
Bất chấp chỉ trích của ông Meeks, quốc hội Mỹ nhiều khả năng vẫn sẽ thông qua những thương vụ bán vũ khí cho Israel, đồng minh thân cận nhất của Washington tại Trung Đông, do đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Sau cuộc tập kích hiệp đồng của nhóm vũ trang Hamas vào lãnh thổ Israel đầu tháng 10/2023, Tel Aviv đã mở chiến dịch đáp trả quy mô lớn vào Gaza, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và phần lớn cơ sở hạ tầng ở vùng lãnh thổ bị phá hủy.
Nhằm phản ứng lại các quan ngại về thương vong dân thường lớn tại Gaza, chính quyền cựu tổng thống Joe Biden đã chặn việc chuyển giao loại bom tấn có sức công phá rất lớn cho Israel. Dù vậy, Tổng thống Trump được cho là đã chấp thuận nối lại việc chuyển giao số bom trên sau khi nhậm chức.
Phạm Giang (Theo AFP, Reuters, Times of Israel)