Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc hôm 16/3 ra tuyên bố cho biết Bộ Ngoại giao đã chấp thuận yêu cầu của Australia về mua tên lửa nhằm trang bị cho tàu hải quân và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Canberra sẽ nhận từ Mỹ. Thỏa thuận này trị giá 1,3 tỷ AUD (895 triệu USD), trong đó có hỗ trợ bảo trì và hậu cần.
"Thương vụ được đề xuất sẽ cải thiện khả năng của Australia trong tương tác với lực lượng hàng hải của Mỹ và các lực lượng đồng minh khác, cũng như khả năng đóng góp vào nhiệm vụ vì lợi ích chung", tuyên bố của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng cho hay.
Theo Lầu Năm Góc, tập đoàn quốc phòng Raytheon là nhà thầu chính cung cấp vũ khí trong thương vụ này. Thương vụ đã được thông báo cho quốc hội Mỹ để xem xét. Nếu không gặp sự phản đối từ quốc hội, hợp đồng sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký phê duyệt.
Thương vụ tên lửa là một phần của thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ, Australia và Anh. Đây là thỏa thuận ba bên nhằm chia sẻ công nghệ và nguồn lực để xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới trong hai thập kỷ tới.
Mỹ sẽ bán ít nhất ba tàu ngầm lớp Virginia cho Australia. Ngoài ra, Australia và Anh sẽ xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của riêng họ.
Lần đầu được triển khai trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, tên lửa Tomahawk bay ở độ cao cực thấp với tốc độ cận âm (dưới 1.200 km/h) và được điều khiển bởi một số hệ thống dẫn đường tùy thuộc với nhiệm vụ. Theo Hải quân Mỹ, chúng có thể được phóng từ các tàu ngầm do Mỹ và Anh chế tạo, cũng như từ các tàu của Hải quân Mỹ.
Hiện chỉ có Anh mua Tomahawk từ Mỹ, nhưng gần đây Nhật Bản đã công bố ý định mua hàng trăm tên lửa hành trình có tầm bắn hơn 1.000 km này để tăng cường khả năng phòng thủ.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Pat Conroy nói rằng tên lửa Tomahawk có thể được Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) sử dụng trước khi chiếc đầu tiên trong số ba tàu ngầm lớp Virginia do Mỹ sản xuất được bàn giao năm 2033.
Khi thỏa thuận AUKUS lần đầu được công bố năm 2021, chính phủ Australia cho biết họ muốn mua tên lửa Tomahawk để trang bị cho các tàu khu trục lớp Hobart.
"Đây là một phần trong chương trình nghị sự của chính phủ nhằm cung cấp cho ADF khả năng tốt nhất có thể, giúp lực lượng này có thể tiến hành các cuộc tấn công tầm xa và ngăn chặn bất kỳ kẻ thù tiềm năng nào", ông Conroy cho hay.
Thỏa thuận AUKUS dự kiến tiêu tốn tới 245 tỷ USD trong 30 năm và được hai chính đảng ở Australia ủng hộ, song bị cựu thủ tướng Công đảng Paul Keating chỉ trích gay gắt. Ông Keating, lãnh đạo đất nước từ năm 1991 đến 1996, gọi đó là "quyết định tồi tệ nhất của chính phủ Công đảng Australia" hơn 100 năm qua.
Huyền Lê (Theo Reuters, CNN)