Một ngày tháng 6, gã khổng lồ chip TSMC của Đài Loan phải cử gấp một đội đến Nhật Bản để tìm hiểu lý do Screen Semiconductor Solutions, đối tác của họ, lại liên tục trễ hẹn. Chỉ rất ít công ty trên thế giới làm được máy làm sạch bằng hóa chất trong các nhà máy sản xuất chip, nên TSMC không thể tìm được ngay một đối tác khác thay thế. Nhưng khi đến Nhật, nhóm phát hiện ra mọi việc rắc rối hơn họ tưởng. Screen Semiconductor Solutions đang bị thiếu hợp van, ống, máy bơm và thùng chứa bằng nhựa do một đối tác khác phụ trách.
Điểm yếu của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Theo FT, câu chuyện của TSMC phơi bày một trong những điểm yếu chí mạng của chuỗi cung ứng chip là nó được xây dựng dựa trên mô hình toàn cầu hóa. Chỉ cần một mắt xích ở bất kỳ quốc gia nào bị ảnh hưởng, toàn bộ ngành chip có thể bị đình trệ. Những năm qua, các nhà sản xuất luôn nỗ lực để từng bộ phận trong chuỗi cung ứng vận hành một cách nhịp nhàng, ổn định. Nhưng giờ đây, đạo luật chip trị giá 52 tỷ USD của Mỹ có thể chặn đứng cỗ máy này, khiến toàn ngành đối mặt nguy cơ bị gián đoạn quy mô lớn. Đó không phải chuyện của riêng các công ty chip ở Mỹ hay Trung Quốc, Hàn Quốc mà là vấn đề toàn cầu.
Gói tài trợ 52 tỷ USD của Mỹ chỉ chạm đến phần cuối của chuỗi cung ứng. Trước đó là một mạng lưới dài các nhà cung cấp với hàng trăm nguyên liệu thô, hóa chất, khí và kim loại mà chỉ cần thiếu một nguyên liệu, quá trình sản xuất chip tinh vi sẽ không thể hoạt động.
Nikkei Asia cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã hoạt động trơn tru trên hai chục quốc gia, những nỗ lực "bản địa hóa" chỉ làm trầm trọng thêm rắc rối.
Ví dụ, chỉ riêng việc cung ứng van và ống cấp bán dẫn để xử lý hóa chất trong ngành chip đã cần sự chung tay của nhiều đối tác như CKD, Advance Electric của Nhật Bản và Entegris của Mỹ là những nhà cung cấp van đủ tiêu chuẩn; Iwaki của Nhật Bản là đơn vị hàng đầu về máy bơm xử lý hóa chất; Agru của Áo và Georg Fischer của Thụy Sĩ chuyên về hệ thống đường ống quan trọng cho các nhà máy sản xuất chip.
Sina dẫn lời nhà nghiên cứu Wang Li thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng sự hợp tác của hệ thống phân công lao động quốc tế và nhu cầu thị trường tiềm năng to lớn là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ chip. Ông thừa nhận ngay cả khi Trung Quốc hay Mỹ muốn xây dựng "chuỗi cung ứng" riêng, đây gần như nhiệm vụ bất khả thi và nó chỉ đặt các nhà sản xuất chip vào thế khó.
Đại diện nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất châu Âu ASML của Hà Lan cảnh báo việc Mỹ ban hành đạo luật chip khiến công ty phải "chọn phe" giữa Trung Quốc và Mỹ, sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Những rủi ro tiềm tàng
Theo các chuyên gia, việc chuyển giao chuỗi công nghiệp bán dẫn cần sự hỗ trợ của hàng loạt yếu tố như lao động, nhân tài, hậu cần, năng lượng. Mỹ từng kỳ vọng sẽ trở thành "công xưởng sản xuất chip mới" khi hàng loạt hãng tuyên bố về những khoản đầu tư khổng lồ để xây công xưởng, mở rộng nhà máy. Nhưng thực tế, việc xây nhà máy của TSMC ở Mỹ bị trì hoãn do lao động địa phương không đủ. Mới đây, Intel cũng gặp thách thức liên quan đến vấn đề nhân sự. The Verge cho biết để vận hành "nhà máy sản xuất chip lớn nhất hành tinh" ở Ohio, Intel cần 7.000 công nhân. Đây là bài toán nan giải trong bối cảnh công nhân ngành nghề này khan hiếm ở Mỹ.
Với các nhà sản xuất chip, Boston Consulting Group ước tính nếu Mỹ áp dụng chính sách "phong tỏa công nghệ", các công ty bán dẫn của nước này sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Dự kiến họ mất 18% thị phần toàn cầu và 37% doanh thu.
Theo Bloomberg, đạo luật chip của Mỹ như con dao hai lưỡi, ngay cả Intel - công ty tiên phong trong việc ủng hộ đạo luật - vẫn phải đối mặt nhiều rủi ro. Để nhận được các khoản tài trợ của chính phủ, họ phải cam kết nhiều thứ. Ngoài việc bị hạn chế thực hiện các "giao dịch lớn" liên quan đến mở rộng quy mô sản xuất chip ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào trong vòng 10 năm, họ còn phải cam kết với chính phủ nhiều vấn đề liên quan đến lao động như tăng lương, nâng cao đời sống công nhân. Những chi phí này sẽ là tiêu chuẩn kép, đè nặng lên vai các công ty Mỹ.
Ông Simon HH Wu, Chủ tịch của San Fu Chemical - một nhà cung cấp hóa chất sản xuất chip của Đài Loan, lo ngại một rủi ro lớn hơn là kỷ nguyên của thương mại tự do có thể không còn khi các công ty phải hoạt động theo mô hình "tự cung tự cấp".
"Luôn có thứ bạn cần nhập và vận chuyển từ một nơi khác, quốc gia hoặc lục địa khác. Nếu không có đá photphat, làm cách nào để sản xuất axit photphoric trong sản xuất chip? Nếu không có fluor, làm thế nào sản xuất fluoropolyme. Rõ ràng chúng ta không thể di chuyển các mỏ tài nguyên này về một quốc gia", ông Wu nói với Nikkei Asia.
Các nhà phân tích khẳng định không thể có viễn cảnh một quốc gia đạt đến giới hạn làm chủ chuỗi cung ứng bán dẫn 100%. Điều đó không thể xảy ra và những "hạn chế thực hiện giao dịch" như đạo luật chip của Mỹ chỉ khiến toàn ngành bị gián đoạn nặng nề.
Khương Nha tổng hợp