Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) rạng sáng 8/1 phóng nhiều tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại Iraq là Ain al-Asad và Irbil ở Iraq nhằm đáp trả vụ Mỹ không kích hạ sát tướng Qasem Soleimani ở Baghdad hôm 3/1.
Đòn tấn công của Iran được tung ra trong bối cảnh các binh sĩ Mỹ ở Trung Đông đang ra sức củng cố các tiền đồn, căn cứ và sân bay của họ trước các mối đe dọa trả đũa từ Tehran. Lầu Năm Góc đã điều thêm 4.500 quân tới khu vực, bên cạnh 50.000 quân đã hiện diện sẵn.
Quá trình tăng quân Mỹ tới Trung Đông bắt nguồn từ một loạt sự kiện diễn ra dồn dập từ trước, mở đầu là vụ tập kích bằng rocket vào căn cứ K-1 ở Kirkuk, miền bắc Iraq ngày 27/12 khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng và một số lính Mỹ bị thương.
Mỹ ngay sau đó không kích đáp trả ba mục tiêu của nhóm dân quân Iraq Kataib Hezbollah bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công, làm nhiều tay súng thiệt mạng. Giận dữ trước đòn không kích của Mỹ, hàng nghìn người Iraq, trong đó có nhiều thành viên dân quân, tràn vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và đốt phá chốt kiểm soát an ninh. Căng thẳng lên đến cao trào khi Mỹ tung đòn không kích hạ sát tướng Iran Qassim Suleimani cùng phó chỉ huy Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU) ngày 3/1.
Đến ngày 5/1, gần 4.000 binh sĩ từ Sư đoàn Dù 82 đóng tại Fort Bragg, Bắc Carolina, nhận lệnh triển khai tới Kuwait. Họ là một phần trong lực lượng phản ứng toàn cầu của sư đoàn, luôn trong trạng thái sẵn sàng hành động trước những trường hợp khẩn cấp.
Một quan chức cấp cao quân đội Mỹ cho biết việc triển khai lính dù từ Sư đoàn 82 cùng những lực lượng mặt đất khác chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Họ có thể nhanh chóng triển khai để bảo vệ hoặc củng cố các sứ quán, lãnh sự quán và căn cứ quân sự Mỹ ở Trung Đông.
Ngoài Sư đoàn Dù 82, gần 100 lính dù từ Đội Chiến đấu Lữ đoàn Dù 173 đang đóng quân ở Vicenza, Italy, cũng sẽ được triển khai tới Trung Đông, theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ.
Quan chức này nhấn mạnh rằng mọi kế hoạch tác chiến cho bất kỳ kịch bản xung đột lớn nào với Iran đều không có hoạt động đưa bộ binh lên lãnh thổ nước này giống như cuộc tấn công Iraq năm 2003. Thay vào đó, Mỹ sẽ chủ yếu dựa vào các lực lượng hải quân và không quân cùng tác chiến mạng để tấn công mục tiêu Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm do nước này hậu thuẫn.
Những đơn vị quân đội khác được triển khai tới Trung Đông lần này gồm có 100 lính thủy đánh bộ từ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Thủy quân Lục chiến 7. Đơn vị này được điều tới Kuwait như một phần của lực lượng đặc nhiệm nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp ở Trung Đông.
Thủy quân lục chiến Mỹ sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị rút khỏi đông bắc Syria đã được tăng cường cho lực lượng bảo vệ đại sứ quán ở Baghdad, cơ sở rộng hơn 40 hecta, gồm các chốt bảo vệ, khu vực sinh hoạt, nhiều cửa hàng nhỏ và phòng ăn lớn.
Khoảng 100 thành viên Trung đoàn Biệt kích 75 đã được triển khai tới Trung Đông không lâu sau cuộc không kích hạ sát tướng Suleimani hồi tuần trước. Họ đóng vai trò là lực lượng phản ứng nhanh nếu bất kỳ lực lượng nào do Iran hậu thuẫn tấn công các vị trí của quân đội Mỹ trong khu vực.
Ngoài ra, Nhóm Sẵn sàng Chiến đấu Đổ bộ Bataan với nhiều tàu chiến chở theo Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26 với 2.200 binh sĩ đang chạy hết tốc lực hướng về phía Trung Đông. Lực lượng này lâu nay cũng đóng vai trò là lực lượng phản ứng toàn cầu, thường được triển khai tới Vịnh Ba Tư để hỗ trợ các chiến dịch ở Iraq, Syria và Afghanistan.
Những đơn vị này sẽ là sự tăng cường đáng kể cho khoảng 45.000 - 65.000 lính Mỹ đã được triển khai ở Trung Đông, gồm Arab Saudi và các quốc gia Vùng Vịnh khác, trong đó có 5.500 quân ở Iraq và 600 quân ở Syria.
Nhằm đối phó với các cuộc tấn công và động thái khiêu khích của Iran từ tháng 5 năm ngoái, Lầu Năm Góc đã điều thêm khoảng 14.000 quân tới khu vực Vịnh Ba Tư, trong đó gần 3.500 quân đến Arab Saudi. Các khí tài như máy bay cảnh báo sớm, máy bay tuần thám, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, máy bay ném bom B-52, một nhóm tác chiến tàu sân bay, máy bay không người lái vũ trang Reaper cùng các nhân viên hỗ trợ và kỹ thuật khác cũng được tăng cường đến khu vực.
Gần 2.000 lính Mỹ đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu đóng tại căn cứ không quân Incirlik. Chiến đấu cơ Mỹ đã xuất kích từ Incirlik để thực hiện hàng trăm cuộc không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria trong năm 2016 và 2017.
Bahrain là nơi Hạm đội 5 Hải quân Mỹ đặt sở chỉ huy và điều tàu chiến tuần tra khắp khu vực.
Tại Qatar, căn cứ al-Udeid là nơi hơn 10.000 binh sĩ Mỹ đồn trú. Đây cũng là sở chỉ huy các hoạt động trên không của quân đội Mỹ trong khu vực và chứa một đội máy bay tiếp nhiên liệu cùng trinh sát cơ.
Tại bất kỳ thời điểm nào, các lực lượng Mỹ ở Trung Đông hoạt động giống như hệ thống thần kinh trung ương cho cuộc chiến dài hơi của Mỹ kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Từ đây, họ đã dồn khoảng 12.000-13.000 lính Mỹ tới Afghanistan tham gia chiến dịch chống Taliban, cũng như thực hiện hàng trăm chiến dịch do thám khắp Trung Đông và huấn luyện các lực lượng quân đội sở tại.
Hôm 5/1, liên quân do Mỹ dẫn đầu thông báo ngừng chiến dịch chống IS ở Iraq và Syria để tập trung bảo vệ lực lượng khỏi những cuộc tấn công tiềm tàng từ Iran. Trước đó, quân đội Mỹ vẫn tham gia vào các chiến dịch nhằm ngăn chặn IS trỗi dậy trở lại. Giờ đây, ngay cả các quốc gia đồng minh với Mỹ như Canada cũng đã ngừng chiến dịch chống IS, khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ nhóm khủng bố này trỗi dậy.
Lực lượng Mỹ ở Trung Đông sẽ có sự biến động đáng kể tùy thuộc vào sự xuất hiện của các nhóm tác chiến tàu sân bay và tàu đổ bộ. Đơn vị Viễn chinh số 26 sẽ sớm băng qua Địa Trung Hải để tới Vùng Vịnh, trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry Truman đang đóng tại đây sẽ hết thời hạn triển khai vào tháng 2 hoặc tháng 3. Sau thời hạn này, nhóm tàu sân bay Eisenhower sẽ tới Trung Đông để thay thế hoặc tăng cường thêm cho tàu Truman.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)