Ở Bắc Dakota, nhân viên y tế mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng vẫn phải tiếp tục làm việc vì số bệnh nhân vượt xa nguồn lực.
Lãnh đạo của nhiều bang khác cảnh báo lượng người mắc Covid-19 có thể gây căng thẳng hệ thống y tế. Từ Maryland đến Iowa, giới chức địa phương nỗ lực thúc đẩy chính phủ đề ra biện pháp hạn chế giúp làm chậm tốc độ lây lan của virus.
Khi mùa thu đông đến, tình hình dịch bệnh tại Mỹ không có dấu hiệu suy yếu. Với sự chỉ dẫn ít ỏi từ một Washington đang mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng về chính trị, nhiều bang vội vã tự đưa ra hạn chế mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Song hầu hết các chỉ số đều phát triển theo chiều hướng tiêu cực.
Hôm 10/11, quốc gia ghi nhận hơn 135.000 ca nhiễm nCoV mới và thêm 1.403 người chết - kỷ lục trong tháng. Ít nhất 5 bang, bao gồm Missouri và Wisconsin đạt mức tử vong theo ngày cao nhất. Dịch bệnh hầu như không suy giảm tại bất cứ khu vực nào trên cả nước.
"Chúng tôi đang truy vết các ca nhiễm trong cộng đồng. Ngày càng nhiều người mắc Covid-19, phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt và chết dần", Thống đốc Maryland Larry Hogan cho biết.
Ông công bố kế hoạch tái áp đặt lệnh hạn chế sau nhiều tháng gỡ bỏ. Theo đó, các nhà hàng chỉ được phép nhận một nửa lượng thực khách so với thông thường. Những buổi tụ tập trong gia đình được giới hạn dưới 25 người. Hogan yêu cầu người dân tránh đi du lịch đến 35 bang có tỷ lệ lây nhiễm cao nếu không cần thiết.
Gần 62.000 người Mỹ mắc Covid-19 đang nằm trên giường bệnh - con số cao chưa từng thấy, kể cả vào đỉnh dịch hồi tháng 4. Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm của Đại học Minnesota, cho biết: "Tôi sợ hãi nhiều hơn là thất vọng. Đây giống như một vụ cháy rừng do Covid-19 gây ra. Tôi không nghĩ nó sẽ chừa ra bất cứ ai nếu chúng ta không thay đổi hành vi".
Theo ông, nhiều khả năng Mỹ sẽ đối mặt với viễn cảnh nghiệt ngã hơn khi mùa thu qua đi. Dù vừa qua Pfizer thông báo vaccine Covid-19 do hãng phát triển có hiệu quả 90%, sẽ không có liều "thuốc tiên" nào khiến dịch bệnh tại nước này thay đổi quỹ đạo ngay tức khắc. Ở nhiều nơi, quán bar, phòng gym, nhà hàng còn mở cửa. Đám cưới và đám tang vẫn diễn ra. Những người đã quá mệt mỏi với việc phòng dịch, những người không quan tâm đến rủi ro tiềm tàng vẫn tụ tập với bạn bè, gia đình. Họ làm vậy trong không gian kín bởi thời tiết lạnh giá hơn.
Ông Michael Osterholm tin rằng Mỹ sẽ sớm ghi nhận trên 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Con số tưởng chừng phi lý vào đợt bùng phát đầu tiên. Khi ấy, số trường hợp dương tính theo ngày là khoảng 30.000.
"Tôi không thấy có điều gì thay đổi lúc này. Hành vi của người dân không thay đổi. Số người chết sẽ tăng nhanh trong suốt tháng tới. Viễn cảnh đó chắc chắn xảy ra", ông khẳng định.
Khi dịch bệnh leo thang, các thống đốc và sở y tế bang kêu gọi người dân đeo khẩu trang và duy trì giãn các xã hội. Họ lặp lại thông điệp của Tổng thống đắc cử Joe Biden, rằng khẩu trang không phải tuyên ngôn chính trị.
Tại nhiều khu vực, giới chức chật vật giữ bệnh viện mở cửa. Hôm 9/11, Thống đốc bang North Dakota, Doug Burgum, lên kế hoạch cho phép nhân viên y tế nhiễm nCoV không có triệu chứng tiếp tục làm việc tại bệnh viện. Tất cả được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ. Ông cho biết quyết định này nằm giảm bớt gánh nặng khi các cơ sở điều trị đang thiếu nhân sự.
Tại Ohio, nhiều bệnh viện phải hoãn quy trình chăm sóc thông thường, từ chối bệnh nhân không cấp cứu để phân bổ y bác sĩ điều trị cho lượng người mắc Covid-19 tăng theo cấp số nhân.
Ở Oklahoma, giới chức đối mặt với tình huống ngặt nghèo tương tự. Bà Julie Watson, giám đốc y tế của Trung tâm Integris Health, cho biết: "Mỗi ngày, chúng tôi cố gắng luân phiên đưa từng bệnh nhân đến một chiếc giường có sẵn y tá, bác sĩ, máy thở và những thứ cần thiết để điều trị. Vì vậy, thành thật thì chúng tôi đều mệt mỏi. Tất cả kiệt sức vì không được nghỉ".
Trước tình hình ảm đạm, giới chức các khu vực nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus. Ngày 10/11, hống đốc Minnesota Tim Walz thông báo các quán bar phải ngừng phục vụ kể từ 10 giờ tối mỗi ngày cuối tuần. Ông cũng đưa ra các quy định mới về đám cưới, đám tang và các cuộc tụ tập.
Đầu tuần này, Thống đốc bang Utah Gary Herbert tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm giảm bớt sự quá tải tại các bệnh viện. Ông yêu cầu người dân đeo khẩu trang, và giãn cách xã hội hai tuần.
Song ngay khi đại dịch bùng phát mạnh mẽ nhất, những tia hy vọng vẫn le lói xuất hiện. Ngày 10/11, hãng dược Pfizer tiết lộ vaccine Covid-19 đạt hiệu quả 90%. Giới chuyên gia gọi đây là bước đột phá trong cuộc đua ngừa dịch bệnh. Cũng trong tuần này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho liệu pháp kháng thể của nhà sản xuất Eli Lilly. Các nhà khoa học gọi đây là công cụ mạnh mẽ để thay đổi tình hình. Thuốc hoạt động như cầu nối với vaccine.
Thục Linh (Theo Washington Post)