Trong thông báo ngày 5/1 về các biện pháp chặn nguồn tài chính cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến hành động chung giữa "Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ", nhưng viết là Türkiye thay cho Turkey. Turkey và Türkiye có phát âm tương tự, song Türkiye có thêm âm tiết "yay" ở cuối.
"Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị dùng cách viết này trong các văn bản của chúng tôi", Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. "Bộ sẽ dùng cách viết mà các bạn thấy hôm nay trong hầu hết văn bản ngoại giao và song phương".
Tuy nhiên, ông Price cho biết cách viết Turkey không bị cấm, bởi từ này "đã quen thuộc với công chúng Mỹ".
Lầu Năm Góc đã viết "Türkiye" trong một thông báo hồi tháng 8 về nội dung điện đàm giữa bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO. Bộ Ngoại giao Mỹ đôi khi sử dụng cách viết mới trên mạng xã hội.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tại thủ đô Washington hôm 10/3/2022. Ảnh: AFP.
Gà tây, có nguồn gốc ở Bắc Mỹ, được gọi là "turkey" trong tiếng Anh, bởi người Anh khi đến lục địa này đã tưởng rằng loài chim đó là giống bản địa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhiều năm qua đã thúc đẩy đổi tên đất nước vì cho rằng cái tên Türkiye sẽ thể hiện tốt hơn về văn hóa, giá trị so với Turkey. Đài TRT World gần đây lưu ý "turkey" cũng là từ lóng chỉ "kẻ ngớ ngẩn hoặc ngu ngốc".
Trong số các nước có sử dụng tiếng Anh, website đại sứ quán các nước Australia, Canada, Ấn Độ và New Zealand tại Ankara đang dùng Türkiye, còn đại sứ quán Anh, Ireland và Nam Phi vẫn sử dụng Turkey. Website đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đến ngày 5/1 vẫn chưa nhất quán cách dùng từ này.
Như Tâm (Theo AFP)