"Việc các tàu chiến di chuyển qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do", Hạm đội 7 hải quân Mỹ ngày 28/4 ra tuyên bố cho biết, đề cập đến hoạt động của hai tàu khu trục nước này hôm chủ nhật.
Phát ngôn viên Hạm đội 7 khẳng định không có sự tương tác thiếu an toàn và không chuyên nghiệp nào giữa hai tàu chiến Mỹ với tàu nước ngoài trong quá trình di chuyển qua eo biển rộng 180 km phân cách Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan. Hai chiến hạm Mỹ được xác định là tàu khu trục USS William P. Lawrence và USS Stethem.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết họ đã theo dõi sát sao hành trình từ phía nam lên phía bắc eo biển của hai tàu chiến Mỹ và không phát hiện sự cố bất thường nào. Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về động thái trên của hải quân Mỹ.
Diễn biến này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng có thể được Đài Loan xem là tín hiệu ủng hộ từ chính quyền Tổng thống Donald Trump giữa lúc mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và hòn đảo ngày càng tăng cao.
Dù công nhận chính sách "Một Trung Quốc", Mỹ trên thực tế vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thường xuyên cung cấp những vũ khí, khí tài cần thiết để Đài Bắc có tự chủ trong việc phòng thủ trước Bắc Kinh. Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỷ USD vũ khí từ năm 2010.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu quân sự lượn quanh đảo trong các cuộc tập trận vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, khiến hòn đảo này chỉ còn vài đồng minh ngoại giao.
Vấn đề Đài Loan, chiến tranh thương mại, lệnh trừng phạt của Mỹ và đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là những điểm nóng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh hiện nay. Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ (DIA) nhận định quyết tâm thu hồi Đài Loan là một trong những động lực chính cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
Nguyễn Hoàng (Theo Reuters)