12 tiêm kích tàng hình F-22 của không quân Mỹ ngày 11/2 đáp xuống căn cứ không quân Hoàng gia Australia ở Tindal, thuộc Lãnh thổ phương Bắc của nước này. Hoạt động này là một phần trong Thỏa thuận Tăng cường hợp tác không quân (EAC) giữa hai nước, Telegraph ngày 13/2 đưa tin.
Đây là đợt triển khai máy bay tàng hình F-22 lớn nhất trong thời gian dài nhất của Mỹ tới Australia. Phi đội F-22 này sẽ tham gia các hoạt động huấn luyện với các tiêm kích F/A-18A/B Hornet thuộc phi đội 75 không quân hoàng gia cùng các binh sĩ và khí tài bộ binh Australia.
Trong chuyến thăm Australia vào tháng 12/2016, Chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Mỹ Harry Harris đã cam kết sẽ gửi một phi đội F-22 đầy đủ tới nước này, địa điểm có nhiều ý nghĩa chiến lược tại khu vực.
Theo Tiến sĩ Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy, việc Mỹ triển khai một phi đội 12 tiêm kích F-22 trong tổng số 170 chiếc có trong biên chế tới Australia có ý nghĩa nhiều hơn là một lời cam kết mang tính biểu tượng.
"Những chiếc F-22 này cho thấy một cách rõ ràng rằng quan hệ đồng minh quân sự Mỹ - Australia là rất vững chắc", Graham nói.
Chuyên gia này cho rằng hoạt động triển khai F-22 tới Australia cũng là một cách để Mỹ phát tín hiệu tới Trung Quốc. "Mỹ tính toán rất kỹ những địa điểm để triển khai F-22. Với các phi đội tiêm kích tàng hình đang hiện diện ở Nhật Bản, đảo Guam và Australia, Mỹ dường như muốn gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng Washington và đồng minh đã sẵn sàng sử dụng những vũ khí tốt nhất hiện có", ông nhận định.
F-22 Mỹ hạ cánh xuống căn cứ ở Guam
Ông Graham đánh giá rằng quân đội Mỹ từ lâu đã lưu ý đến phần Lãnh thổ phương Bắc của Australia bởi nó nằm ngoài phạm vi tấn công của tên lửa đạn đạo Trung Quốc và là nơi có khả năng triển khai vũ khí lớn hơn bất cứ quốc gia đồng minh nào trong khu vực.
Nguyễn Hoàng