"Mỹ đang tái bố trí một phần binh sĩ và khí tài từ Căn cứ không quân 101 ở Niamey đến Căn cứ không quân 201 ở Agadez", phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết ngày 7/9, mô tả đây là "biện pháp đề phòng". "Hiện chưa có mối đe dọa trực tiếp nào đến binh sĩ Mỹ hay bạo lực ở thực địa".
Theo bà Singh, một nhóm nhỏ binh sĩ sẽ ở lại Căn cứ không quân 101, trong khi "các nhân sự và nhà thầu không quan trọng" đã rời khỏi Niger.
Động thái diễn ra sau khi quân đội Niger cuối tháng 7 đảo chính, lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum và lên nắm quyền, với tướng Abdourahamane Tiani đứng đầu chính quyền quân sự, bất chấp sự phản đối của nhiều nước trong khu vực và phương Tây. Niger cũng lập chính phủ mới để thúc đẩy chương trình nghị sự.
Niger là căn cứ quan trọng đối với Mỹ và Pháp trong nỗ lực đối phó phiến quân Hồi giáo cực đoan tại khu vực. Mỹ có khoảng 1.100 binh sĩ tại Niger. Lầu Năm Góc cho biết họ chủ yếu ở lại căn cứ và hạn chế các hoạt động, như huấn luyện chung với lực lượng bản địa, sau khi đảo chính xảy ra.
Trong khi đó, Pháp duy trì khoảng 1.500 quân ở Niger. Chính quyền quân sự Niger ngày 3/8 hủy các thỏa thuận quân sự với Pháp, tuyên bố trục xuất đại sứ Pháp Sylvain Itte. Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết Paris đang đàm phán với Niamey về việc "rút một phần lực lượng" khỏi Niger.
Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc nói "không có sự liên hệ" giữa việc tái bố trí lực lượng của Mỹ với "điều quân đội Pháp đang thực hiện". Bà cũng bày tỏ hy vọng sớm tìm ra giải pháp ngoại giao cho tình hình Niger hiện tại.
Như Tâm (Theo AFP)