"Tổng thống Joe Biden đã công khai phản đối việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh G20", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 29/4 cho hay.
Bà Psaki không nói rõ liệu ông Biden có tham dự hội nghị diễn ra ở đảo Bali của Indonesia vào tháng 11 tới hay không. Giới chức Nhà Trắng được cho là đã cân nhắc một số kịch bản, bao gồm khả năng cử phái đoàn cấp thấp hơn hoặc tham gia từ xa, nhưng việc ông Biden đích thân tham dự vẫn được coi là dễ xảy ra nhất.
"Còn 6 tháng nữa nên chúng tôi không biết làm thế nào để dự đoán và cũng không thể dự đoán vào thời điểm này rằng hội nghị sẽ diễn ra như thế nào", bà nói. "Chúng tôi đã truyền đạt quan điểm bằng cả hình thức công khai và riêng tư rằng chúng tôi không nghĩ Nga nên tham gia".
Theo thư ký báo chí Nhà Trắng, Mỹ hiểu rằng Indonesia đã mời ông Putin trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, trong tuyên bố xác nhận Tổng thống Nga nhận lời mời, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh ông muốn các quốc gia G20 đoàn kết.
"Đừng để xảy ra chia rẽ. Hòa bình và ổn định là chìa khóa cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế thế giới", ông Widodo nói.
Indonesia cũng mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham gia với tư cách khách mời, bước đi mà Mỹ hoan nghênh. Ông Zelensky đăng Twitter cảm ơn Tổng thống Indonesia vì lời mời, nhưng không nói rõ liệu ông có tham dự hội nghị thượng đỉnh. Nga là thành viên G20, còn Ukraine thì không.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine", Indonesia đối mặt với sức ép gay gắt từ các nước phương Tây nhằm loại Nga khỏi hội nghị thượng đỉnh G20.
Tuy nhiên, Indonesia nhấn mạnh rằng với tư cách chủ nhà, nước này phải có quan điểm trung lập. Trung Quốc cũng phản đối đề xuất loại Nga ra khỏi G20. Tổng thống Mỹ Biden sau đó nói nếu Indonesia và các nước khác không đồng ý loại Nga, Ukraine nên được tham dự các hội nghị của nhóm.
G20 đã lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, cho rằng hoạt động này làm căng thẳng địa chính trị leo thang, gây ra làn sóng ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
G20, được thành lập năm 1999, là một trong các nền tảng quốc tế quan trọng để điều phối các hoạt động từ ứng phó biến đổi khí hậu đến xử lý các khoản nợ ở nước ngoài.
Huyền Lê (Theo CNN)