Các nguồn tin ngoại giao giấu tên hôm nay cho biết phái đoàn Mỹ, với sự ủng hộ của Anh và Pháp, đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức họp khẩn cấp về Triều Tiên ngày 4/2. Sự kiện sẽ diễn ra theo hình thức họp kín và thời gian tổ chức được quyết định bởi Nga, nước chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 2.
"Chúng tôi thực sự hy vọng Hội đồng Bảo an sẽ ra được tiếng nói chung với một tuyên bố cụ thể", một nhà ngoại giao giấu tên cho hay.
![Tên lửa Hwasong-12 phóng thử hồi năm 2017. Ảnh: KCNA.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/02/02/hwasong-12-004-JPG-3196-164359-1796-1622-1643770836.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Lz4yovkulbjsho42vvr1OA)
Tên lửa Hwasong-12 trong cuộc phóng thử hồi năm 2017. Ảnh: KCNA.
Thông tin được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên xác nhận thử tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 trong vụ phóng hôm 30/1. Đây là cuộc thử nghiệm vũ khí mạnh nhất của Bình Nhưỡng kể từ năm 2017. Giới nghiên cứu tính toán tên lửa có thể đạt tầm bắn hơn 4.500 km, cho phép nó dễ dàng vươn tới đảo Guam và quần đảo Aleutian, nơi đặt những căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua lên án vụ phóng tên lửa và hối thúc Bình Nhưỡng "ngừng các hành động không mang tính xây dựng".
"Đây là động thái phá vỡ tuyên bố đình chỉ các vụ thử tên lửa của Triều Tiên năm 2018 và vi phạm rõ ràng nghị quyết Hội đồng Bảo an. Rất đáng lo ngại khi nước này tiếp tục phớt lờ an toàn hàng không và hàng hải quốc tế", phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho hay.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định vụ phóng tên lửa đưa Triều Tiên tiến gần hơn đến lằn ranh vô hiệu hóa tuyên bố ngưng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) do lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra hồi tháng 4/2018. Tuyên bố khi đó nhằm khởi động đàm phán hoà bình liên Triều và đối thoại phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Quan chức Mỹ giấu tên hôm 31/1 tiết lộ Washington lo ngại các đợt phóng thử tên lửa liên tiếp báo hiệu Bình Nhưỡng sắp nối lại thử nghiệm hạt nhân.
Loạt thử nghiệm vũ khí nhiều tháng qua của Triều Tiên đang dần trở thành cơn đau đầu ngoài ý muốn của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Lãnh đạo Mỹ đang tập trung nhiều hơn cho bài toán quan hệ với Trung Quốc, vốn đang ở mức trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, cũng như tình hình căng thẳng biên giới Nga - Ukraine.
Dù kêu gọi đối thoại suốt một năm qua, chính quyền Biden vẫn duy trì các lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an có động thái tương tự. Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ cùng đồng minh không từ bỏ chính sách thù địch và tuyên bố khả năng tái khởi động thử nghiệm ICBM.
Vũ Anh (Theo Reuters)