Cách đây hơn một thập kỷ, khi đọc báo về sự cố tại nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, Marni Magda, giáo viên về hưu sống tại thành phố biển Laguna, miền nam bang California, xem được bản đồ hiển thị các cơ sở hạt nhân trên toàn nước Mỹ, cùng mã màu thể hiện nguy cơ liên quan đến địa chất.
Bà Magda tá hỏa khi phát hiện cách nơi mình sống 32 km có nhà máy điện hạt nhân San Onofre, được tô đỏ trên bản đồ do nằm gần nhiều khu vực đứt gãy địa chất. "Là một cư dân bang California, lúc đó tôi biết mình đang gặp rắc rối to", bà Magda kể lại.
Bà Magda cùng nhiều cư dân California khác bắt đầu tổ chức các cuộc tuần hành gần nhà máy San Onofre, hô khẩu hiệu đòi cơ sở này ngừng hoạt động, do lo ngại một trận động đất hay sóng thần có thể gây ra thảm họa tương tự ở Fukushima.
Nhà máy điện hạt nhân San Onofre đi vào hoạt động năm 1968, cung cấp điện cho 1,4 triệu hộ dân xung quanh. Southern California Edison (SCE), tập đoàn điều hành nhà máy, đảm bảo với công chúng rằng cơ sở có thể chịu được bất kỳ trận bão hay động đất nào.
Tuy nhiên, SCE năm 2013 thông báo ngừng hoạt động nhà máy do phát hiện sự cố trong hệ thống tuabin hơi nước. Nhiều thành viên cộng đồng coi đây là một chiến thắng. "Tôi đã rất xúc động", bà Magda, 75 tuổi, chia sẻ.
Nhưng niềm vui kéo dài không lâu, khi bà Magda và các nhà hoạt động nhận ra nhà máy chưa có phương án xử lý nào với lượng lớn chất thải phóng xạ tích lũy ở đây suốt nhiều năm, trong đó có 1.600 tấn nhiên liệu uranium đã qua sử dụng.
Theo GreenPeace, tất cả công đoạn sản xuất điện nguyên tử đều tạo ra chất thải phóng xạ độc hại, trong đó có 97% có thể tái sử dụng, 3% còn lại không thể dùng được cho bất cứ mục đích nào khác. Lượng uranium này có thể tiếp tục tạo ra bức xạ nguy hiểm trong hàng triệu năm.
Cách thức xử lý lượng chất thải phóng xạ này gần đây thu hút nhiều chú ý, do năng lượng hạt nhân cung cấp gần một nửa lượng điện sạch tại Mỹ, đóng vai trò lớn trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang trải qua khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine.
Quốc hội Mỹ năm 1987 yêu cầu chính phủ liên bang chịu trách nhiệm xử lý, lưu trữ chất thải phóng xạ. Tuy nhiên, dự án xây dựng kho chứa chất thải phóng xạ quốc gia ở núi Yucca ở Las Vegas đã bị dừng từ năm 2010 và chưa có dấu hiệu nối lại. Hiện Mỹ có khoảng 80 địa điểm lưu trữ chất thải hạt nhân tạm thời, trải dài tại 35 bang.
"Đây là vấn đề quốc gia, nhà máy San Onofre chỉ là một ví dụ", Mike Levin, hạ nghị sĩ bang California, nhận định. "Có tới 9 triệu dân trong bán kính 80 km xung quanh nhà máy, kèm đó là nguy cơ động đất và nước biển dâng. Chúng tôi không có nơi nào để chuyển chất thải hạt nhân ở nhà máy đi".
Báo cáo năm 1957 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) đề xuất phương án khả thi nhất là lưu trữ chất thải hạt nhân sâu dưới lòng đất, tốt nhất là trong các mỏ muối. Đây là phương án khả thi nhất trong số các đề xuất liên tục được đưa ra những năm sau đó, gồm ý tưởng chôn chất thải phóng xạ trong các tảng băng vĩnh cửu hoặc chuyển chúng lên vũ trụ.
Trong khi chưa tìm được phương án dài hạn khả thi, nghị sĩ Levin cùng nhiều người khác đề xuất xây dựng "kho hợp nhất tạm thời" để tập kết chất thải hạt nhân rải rác tại các địa điểm trên toàn quốc, nhằm lưu trữ chúng một cách an toàn trong khi chờ các hầm chứa trong mỏ muối hoàn thành.
Mức độ nguy hiểm của chất thải hạt nhân gây nhiều tranh cãi, song báo cáo của NAS năm 1957 nêu rõ "mối nguy liên quan đến chất thải phóng xạ lớn đến mức không được phép hoài nghi bất cứ điều gì về biện pháp an toàn".
Một số chuyên gia, quan chức Mỹ cho rằng mối nguy từ chất thải phóng xạ là có thật, song hoàn toàn có thể kiểm soát được. "Chúng tôi biết chính xác chúng là gì và đang ở đâu", Maria G. Korsnick, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Viện Năng lượng Hạt nhân Mỹ (NEI), tuyên bố hôm 16/2. "Chúng đang được lưu trữ an toàn".
Cộng đồng cư dân sống gần nhà máy San Onofre cũng tranh cãi về phương án xử lý chất thải hạt nhân đang được lưu trữ tại đây. Nhiều người cảnh giác theo dõi quá trình nhà máy ngừng hoạt động và di dời chất thải phóng xạ, trong khi số khác tập trung hơn vào công tác giải quyết thiếu sót trong hệ thống lưu trữ hiện nay.
Theo khảo sát của Washington Post, quá trình đóng cửa nhà máy San Onofre dự kiến kéo dài đến năm 2028, đi kèm xây dựng một tuyến đường sắt phục vụ di dời chất thải hạt nhân. Hiện chưa rõ lượng chất thải phóng xạ này sẽ được chuyển đến đâu.
Khi Mỹ bế tắc trong cả thập kỷ qua, một số quốc gia khác đã đạt được tiến bộ nhất định trong lên kế hoạch xử lý chất thải hạt nhân. Phần Lan và Thụy Điển chuẩn bị mở những hầm lưu trữ chất thải hạt nhân vĩnh viễn đầu tiên trên thế giới, có thể đảm bảo an toàn trong 100.000 năm.
Đức Trung (Theo Washington Post)