Tuyên bố chung được hai bên đưa ra hôm nay sau 5 ngày đàm phán giữa phái đoàn của Bộ Quốc phòng Mỹ cùng các đối tác Niger tại Niamey tuần này, ấn định thời gian hoàn tất rút quân của Mỹ "chậm nhất vào 15/9".
"Bộ Quốc phòng Niger và Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhớ những hy sinh chung của lực lượng hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố và hoan nghện những nỗ lực chung trong xây dựng lực lượng vũ trang Niger", tuyên bố nêu rõ.
Tuyên bố chung thêm rằng việc Mỹ rút quân sẽ không ảnh hưởng tới những mối quan hệ hợp tác phát triển ở Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới.
"Niger và Mỹ cam kết duy trì cuộc đối thoại ngoại giao để xác định tương lai quan hệ song phương", tuyên bố cho hay.
Niamey hồi tháng 3 tuyên bố chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự với Washington, thêm rằng hiện diện của binh sĩ Mỹ hiện tại "là bất hợp pháp". Quyết định được đưa ra vài tháng sau khi Niger trải qua cuộc đảo chính hồi tháng 7/2023, lật đổ cựu tổng thống Mohamed Bazoum, đồng minh của phương Tây.
"Những người Mỹ ở trên đất của chúng tôi đã không làm gì trong khi những kẻ khủng bố giết hại người dân và thiêu rụi các thị trấn", Thủ tướng Niger Ali Mahaman Lamine Zeine, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán với Mỹ, nói.
Mỹ hiện còn khoảng 650 binh sĩ ở Niger cùng một căn cứ máy bay không người lái gần Agadez ở phía bắc đất nước.
Giới quan sát cho rằng Mỹ đánh mất vị trí chiến lược ở vùng Sahel khi rút quân khỏi Niger. Quốc gia Tây Phi này vốn là căn cứ quan trọng cho hoạt động chống khủng bố trong khu vực. Lực lượng Mỹ đã hợp tác cùng quân đội Niger để chống lại phiến quân trong nhiều năm qua.
Máy bay không người lái Reaper của Mỹ tại căn cứ ở Agadez có thể giám sát nhiều khu vực sát biên giới với các nước láng giềng của Niger như Libya, Chad, Nigeria và Mali, những nơi bị hạn chế khả năng giám sát trên không.
Mỹ đã cung cấp thiết bị quân sự cho Niger từ năm 1962 sau khi quốc gia Tây Phi tuyên bố độc lập. Ngoài trang thiết bị quân sự, quân đội Niger cũng được tiếp cận chương trình hỗ trợ an ninh của Mỹ, được cung cấp kinh phí cho giáo dục và đào tạo của quân nhân nước ngoài kể từ năm 1980.
Chính phủ mới ở Niger trước đó cũng yêu cầu quân đội Pháp và các lực lượng châu Âu khác rời khỏi nước này hậu đảo chính.
Dư luận Niger từ lâu có thái độ thù địch với hiện diện của lực lượng nước ngoài. Theo khảo sát của mạng lưới Afrobarometer năm 2022, khoảng 2/3 người dân Niger không đồng tình với chính sách sử dụng lực lượng quân sự nước ngoài để bảo vệ đất nước.
Thanh Tâm (Theo AFP, Reuters)