Đầu những năm 90, Trung Quốc từng ở vào hoàn cảnh tương tự như Mỹ bây giờ. Lúc đó, Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ trước việc Pháp bán máy bay chiến đấu Mirage cho Đài Loan hơn là chuyện Mỹ tích cực thúc đẩy hợp tác quân sự cùng Đài Bắc. Nay, Paris, hơn ai hết, đang phải đối mặt với thực tế phũ phàng của thái độ "nhất bên trọng, nhất bên khinh" trong mối quan hệ với chính quyền Bush.
Washington tức giận ra mặt trước việc Pháp đứng đầu lực lượng phản chiến. Mỹ cảm thấy mình bị ông bạn thân phản bội khi Paris dùng quyền phủ quyết trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước mà Mỹ muốn mở mặt trận phía bắc tấn công Iraq. Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell nóng mặt trước việc người đồng nhiệm Pháp Dominique de Villepin tìm cách “làm mưa làm gió” trong Hội đồng Bảo an, và phá vỡ chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là kết hợp với các nước châu Phi. Thời gian trước chiến tranh, ông Villepin vận động các nước không phải là thành viên thường trực bỏ phiếu chống nghị quyết về Iraq. Qua đó, Washington đánh giá rằng Pháp có vẻ như yếu thế ở Cựu lục địa, đặc biệt là với các thành viên sắp gia nhập EU vào năm 2004.
Thêm nữa, không giống như Trung Quốc và Nga - vốn có vị thế chiến lược tại một số khu vực quan trọng ở châu Á, sự hiện diện về mặt ngoại giao và kinh tế của Pháp rõ ràng chỉ nổi trội ở châu Phi. Theo các chuyên gia, Mỹ đánh giá rằng sự đóng góp của Paris đối với chiến lược và viễn cảnh toàn cầu không mạnh như Matxcơva và Bắc Kinh, dù Pháp có chân trong Hội đồng Bảo an. Để làm mọi việc suôn sẻ ở châu Âu, thay vì Pháp, Washington có thể nương nhờ Anh.
Một số nhà bình luận cho rằng, Mỹ có vẻ như đánh giá hơi thấp sự hữu ích của quan hệ Mỹ - Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố, nếu xét về sự hoạt động hiệu quả của tình báo Pháp ở Trung Đông và Bắc Phi.
Giữa lúc căng thẳng với Paris chưa có dấu hiệu lắng dịu, Washington lại đang chứng tỏ muốn hoà giải với Matxcơva, cho dù Kremlin không ngớt chỉ trích cuộc chiến Iraq. Điều này cho thấy Washington chịu “muối mặt” là vì họ cần sự hỗ trợ của Nga để đối phó với những nguy cơ khủng bố tại những vùng nhạy cảm ở Trung Á và Trung Đông - nơi mà Mỹ đang tìm cách duy trì thanh thế, cũng như không muốn nhiên liệu hạt nhân của Nga rơi vào tay kẻ xấu.
Dầu mỏ cũng là một yếu tố thúc đẩy quan hệ Nga - Mỹ. Washington cần phải xoa dịu Matxcơva vì những thay đổi trong Hiệp ước cấm thử vũ khí đạn đạo. Chính quyền Bush cần thiện chí từ Kremlin đối với NATO, khi liên minh này đang mở rộng sang Trung và Đông Âu. Pháp, ngược lại, chỉ cản trở việc mở rộng sức mạnh của Mỹ tại những khu vực này. Vì lẽ đó, có thể hiểu vì sao Bush luôn nuôi dưỡng mối quan hệ cá nhân ấm áp với Putin, chứ không phải đối với Chirac.
Tuy rất mặn nồng với Nga, Washington cũng không quên chìa tay về phía Trung Quốc, dù đất nước đông dân nhất thế giới này được coi là một đối thủ chứ không phải là một đồng minh chiến lược. Khi ông Bush mới lên nắm quyền, Bắc Kinh tỏ ra lạnh nhạt. Tuy nhiên, càng về sau này, quan hệ ấm lên trông thấy, mà điển hình là việc Bush từng mời ông Giang Trạch Dân tới trang trại riêng ở Crawford, Texas, hồi tháng 10 năm ngoái. Có lẽ Washington cần sự hợp tác của Trung Quốc để đối đầu với một số vấn đề căn bản, trước hết là cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Sóng yên biển lặng ở eo biển Đài Loan cũng là mục tiêu khiến Mỹ hướng tới Bắc Kinh. Sự phối hợp của Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và đương đầu với các nước “ương ngạnh” ở Trung Đông và châu Phi cũng cần thiết. Washington còn muốn kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh ở châu Á. Do đó, họ cần phải theo đuổi và nuôi dưỡng quan hệ với Trung Quốc. Giành được thị phần ở thị trường đông dân nhất thế giới cũng là mục tiêu của Mỹ.
Cố thủ tướng Anh Palmerston hồi thế kỷ 19 từng chốt lại chân lý về kiểu chính trị thực dụng: "Không nước nào có đồng minh vĩnh cửu, mà chỉ có những quyền lợi chung vĩnh cửu mà thôi".
Bá Thùy (theo Japan Times)