"Lực lượng Mỹ phát hiện các phương tiện mặt nước không người lái (USV) mang chất nổ tại khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen, xác định chúng là mối đe dọa sắp xảy ra đối với chiến hạm Mỹ và tàu hàng trong khu vực", Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) thông báo.
CENTCOM cho biết Mỹ mở đợt tập kích phá hủy hai chiếc USV của Houthi ngày 5/1, tuyên bố đây là hành động tự vệ. Cơ quan này không nêu rõ các USV nói trên có di chuyển trên biển hay không và lực lượng Mỹ dùng vũ khí nào để phá hủy chúng.
Đợt tập kích diễn ra sau nhiều lần Mỹ tấn công các vị trí của Houthi, trong đó có kho vũ khí, trận địa tên lửa diệt hạm và phòng không, radar và một số cơ sở khác của lực lượng này. Quân đội Anh tham gia một số chiến dịch.
Quân đội Mỹ ngày 4/2 không kích vị trí Houthi triển khai 5 tên lửa, trong đó một tên lửa chuyên tấn công mục tiêu mặt đất và một tên lửa diệt hạm. Trước đó một ngày, lực lượng Mỹ và Anh tham gia mở chiến dịch chung thứ ba kể từ tháng 1, tập kích 36 mục tiêu Houthi tại 13 địa điểm.
Yahya Saree, phát ngôn viên Houthi, tuyên bố "những đợt tấn công đó không thể ngăn cản chúng tôi thể hiện lập trường ủng hộ người dân Palestine kiên cường ở Dải Gaza".
Houthi leo thang tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ từ tháng 11/2023, khẳng định nhằm vào phương tiện liên kết với Israel để thể hiện đoàn kết với người dân Palestine tại Dải Gaza. Lực lượng Houthi bắt tàu hàng Galaxy Leader, đưa về Yemen và biến phương tiện thành điểm tham quan cho dân địa phương.
Các đợt tập kích của Houthi làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải ở Biển Đỏ, nơi 12% lưu lượng hàng hóa toàn cầu đi qua. Một số công ty vận tải biển cho tàu hàng chuyển sang tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, vốn dài hơn với chi phí cao hơn tuyến đi qua Biển Đỏ.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)