Một góc thung lũng Pankisi. |
Khủng hoảng Nga - Gruzia (bắt đầu hồi tháng trước, khi Tbilisi từ chối dẫn độ 13 phiến quân Chechnya sang bên kia biên giới) chỉ là cái cớ để Mỹ bày tỏ thái độ không hài lòng của mình với Nga. Trước tiên, sự đồng sàng nhưng không đồng mộng của Washington với Matxcơva xuất phát từ mối quan hệ “sâu nặng” và những thỏa thuận quân sự giữa Nga và Iraq, Iran, CHDCND Triều Tiên (những nước bị Tổng thống Bush liệt vào “trục ma quỷ”) và Trung Quốc. Chỉ riêng trong tháng này, chính quyền của ông Putin đã tiến những bước gần hơn tới các quốc gia mà Mỹ coi là “kẻ thù” của mình. Đơn cử, Matxcơva và Baghdad đạt được thỏa thuận hợp tác về kinh tế trị giá 40 tỷ USD. Nga lại cùng Iran ký vào thoả thuận xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân trị giá 10 tỷ USD. Thêm nữa, chính quyền Bush cũng lo ngại khả năng Trung Quốc gây sức ép với Đài Loan bằng các vũ khí quân sự tinh vi nhập từ xứ sở bạch dương.
Một chiếc ôtô bị bẹp dúm, theo Gruzia là vì bom của Nga. |
“Mối bất hòa giữa Mỹ và Nga nối dài từ vùng Kavkaz tới Hoàng Hải. Nếu Tổng thống Vladimir Putin không thay đổi những chính sách của mình, quan hệ hợp tác giữa đôi bên sẽ tiếp tục căng thẳng”, Pavel Felgenhauer - một nhà phân tích quân sự ở Matxcơva - nhận định. Trong thời gian qua, ông Putin là một người bạn của Washington cũng như có mối quan hệ cá nhân tương đối nồng ấm với Tổng thống Mỹ Bush. Tuy nhiên, ông cũng phải đương đầu với sự phản đối khi đưa Nga xích lại gần hơn với phương Tây.
Ông Felgenhauer nói tiếp: “Có một số thế lực trong chính quyền Matxcơva muốn thay đổi quan hệ gần gũi giữa Nga và Washington, và có vẻ như họ đang gặp may (trước sự hục hặc Mỹ - Nga). Lúc này, Matxcơva phải rạch ròi: Có phải họ là đồng minh của Mỹ, hay họ chỉ tạo mối quan hệ thân thiết khi hai bên cùng chung một quyền lợi nào đó?”.
Còn một lý do nữa khiến Mỹ chuyển từ việc chỉ trích nhưng vẫn làm đẹp lòng Nga sang thế chỉ trích mang ý nghĩa cảnh báo. Đó là sự hiện diện của quân Mỹ ở Gruzia. Tiền mà Mỹ đặt cược vào "cuộc chơi" này không phải là nhỏ, ấy là xét về ý nghĩa vật chất và chiến lược. Theo các nhà phân tích, chương trình đào tạo binh lính địa phương trị giá 64 triệu USD mà các lực lượng biệt kích Mỹ đang tiến hành không chỉ giúp quân lực Gruzia chống khủng bố và thiết lập lại trật tự ở thung lũng Pankisi. Thực chất, Mỹ còn muốn thiết lập ảnh hưởng quân sự lâu dài ở nước này, nằm ngay sát biên giới Nga và cũng không xa Iraq là mấy. Lẽ dĩ nhiên Washington không muốn bị Matxcơva làm mất mặt, vì Nga thường chỉ trích Gruzia quá nương tay, không chịu tích cực hành động trước hàng trăm chiến binh khủng bố (gồm cả Al-Qaeda) ở Pankisi. "Việc Mỹ không phản ứng cứng rắn ngay từ đầu là một dấu hiệu cho thấy Nga có thể tự do hành động đối với các nước láng giềng, dù có gây ra thương vong. Nhưng nay thì khác, Washington cho rằng người Nga đã đi quá xa và cảm thấy khó chịu", George Khutsishvili, người đứng đầu Trung tâm Quốc tế về Xung đột và Đàm phán ở Tbilisi, nhận xét.
Trước quan hệ nổi sóng Nga - Mỹ, Felgenhauer khẳng định: “Gruzia sẽ không thể là nguyên nhân gây căng thăng thẳng giữa Washington và Matxcơva. Chúng tôi sẽ tìm con đường ngoại giao để giải quyết ổn thỏa những vấn đề của mình”.
Bá Thùy (theo AP)