Đợt thử nghiệm phóng mô hình tên lửa hành trình AGM-158 JASSM từ vận tải cơ C-17A và EC-130SJ diễn ra diễn ra tại thao trường White Sands ở bang New Mexico hồi tháng 7, nhưng hình ảnh chỉ được không quân Mỹ công bố hôm 22/9.
Trong đợt thử nghiệm, các vận tải cơ thả thùng chứa kiêm bệ phóng trên không cho hàng loạt mô hình tên lửa tên lửa hành trình tàng hình AGM-158 JASSM. Mục đích chính của đợt thử nghiệm là thể hiện khả năng thả cụm bệ phóng từ khoang hàng vận tải cơ và kiểm tra khả năng tách rời của các quả đạn.
Thùng hàng chứa mô hình tên lửa thả từ vận tải cơ Mỹ trong đợt thử nghiệm hồi tháng 7. Video: Lockheed Martin.
Nhà sản xuất Lockheed Martin không cho biết thông số của cuộc thử nghiệm, chỉ tiết lộ các khối bệ phóng được thả ở "độ cao phù hợp với nhiệm vụ tác chiến".
Đây là hoạt động tiếp theo trong dự án phát triển khái niệm Rapid Dragon, trong đó triển khai tên lửa hành trình từ vận tải cơ nhờ các thùng hàng theo quy chuẩn, biến vận tải cơ thành "kho vũ khí bay" nhằm tăng cường năng lực tiến công cho Mỹ, nhất là trong xung đột với những cường quốc ngang hàng.
Trang bị các bệ phóng tên lửa cho vận tải cơ sẵn có là giải phải rẻ tiền hơn nhiều so với biên chế thêm oanh tạc cơ, khiến mô hình này rất hấp dẫn trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Nó cũng có khả năng tăng cường hoặc thu nhỏ quy mô tùy ý, cho phép vận tải cơ cỡ nhỏ hơn C-130 hoặc lớn hơn C-17 sử dụng trong tương lai.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể đẩy phi đội vận tải cơ của Mỹ đến giới hạn khi nổ ra xung đột với các cường quốc, khiến khả năng duy trì chiến đấu trong thời gian dài bị hạn chế.
Mỹ từng sử dụng vận tải cơ C-130 để thả bom GBU-43/B MOAB (Mẹ của các loại bom), hoặc máy bay vận tải chiến lược C-5 mang tên lửa đạn đạo tầm trung dùng trong các đợt thử nghiệm lá chắn tên lửa. Tuy nhiên, chúng có hình dáng và kích thước riêng, không được chuẩn hóa thành từng kiện hàng.
Vũ Anh (Theo Drive)