Nhà Trắng hôm 21/6 cho biết trong 55 triệu liều vaccine Covid-19 tiếp theo được chia sẻ cho thế giới, 41 triệu liều sẽ được chuyển tới các nước thông qua cơ chế phân phối COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Washington cũng xác định các nước sẽ nhận được vaccine Covid-19 của nước này thông qua COVAX, trong đó 14 triệu liều được chuyển đến các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, 16 triệu liều cho châu Á và khoảng 10 triệu liều đến châu Phi.
Tại châu Á, những quốc gia và vùng lãnh thổ được Mỹ chia sẻ vaccine Covid-19 gồm Việt Nam, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Bhutan, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, Campuchia và các đảo Thái Bình Dương.
Đối với 14 triệu liều vaccine Covid-19 còn lại, Mỹ sẽ trực tiếp gửi tới những quốc gia và khu vực có nhu cầu, trong đó cũng có Việt Nam, Philippines và các nước như Ai Cập, Jordan, Iraq.
"Chia sẻ hàng triệu liều vaccine của Mỹ tới các quốc gia khác là cam kết lớn từ chính phủ Mỹ", Nhà Trắng tuyên bố, thêm rằng "Mỹ sẽ không sử dụng vaccine của mình để đổi lấy sự ủng hộ từ các nước khác".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó thông báo Washington sẽ hoàn tất việc chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19 dư thừa cho thế giới vào cuối tháng sau. Blinken khẳng định Mỹ muốn đảm bảo mọi liều vaccine Covid-19 nước này chia sẻ cho thế giới đều phải "an toàn và hiệu quả".
Tính tới ngày 18/6, khoảng 65,1% người dân ở Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Tốc độ tiêm chủng của nước này phải tăng gấp đôi trong hai tuần tới để hoàn thành mục tiêu Tổng thống Biden kỳ vọng là tiêm chủng cho 70% dân số trước ngày quốc khánh 4/7.
Chính quyền Mỹ cũng đang nỗ lực đưa ra nhiều sáng kiến để khuyến khích người dân nhanh chóng tiêm vaccine, như mở xổ số vaccine với giải thưởng tới một triệu USD hay đưa đón tận nơi người đi tiêm chủng. Nước này hiện ghi nhận hơn 34,4 triệu ca nhiễm và hơn 617.000 ca tử vong do nCoV.
Ngọc Ánh (Theo NBC)