Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) trao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA E&C của Việt Nam hợp đồng này trong khuôn khổ dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa, theo thông cáo của đại sứ quán Mỹ.
Theo hợp đồng, công ty VINA E&C sẽ đào xúc đất và trầm tích ô nhiễm tại khu vực sân bay để chuẩn bị cho công tác xử lý chất độc dioxin. Đây là hợp đồng lớn nhất mà USAID trao cho một tổ chức của Việt Nam trong nỗ lực nâng cao năng lực của Việt Nam trong đảm bảo an toàn và sức khỏe môi trường.
USAID đang hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam để xử lý khoảng 500.000 mét khối đất và trầm tích nhiễm dioxin ở trong và quanh sân bay Biên Hòa. Năm 2018, USAID đã hoàn thành xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam khởi động dự án Biên Hòa vào tháng 4/2019, dự kiến xử lý khối lượng đất và trầm tích gấp gần 4 lần so với dự án tại sân bay Đà Nẵng. Hồi tháng 6, USAID hoàn thành xử lý khu vực đầu tiên là hồ Cổng 2 với diện tích 5.300 m2.
Chính phủ Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam dự kiến mất 10 năm để hoàn thành dự án này với chi phí ước tính 450 triệu USD. Chính phủ Mỹ đã chi 163,25 triệu USD trong tổng số 300 triệu USD đóng góp dự kiến.
Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền nam Việt Nam.
Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra bốn vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam rò rỉ ra bên ngoài. Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới.
Huyền Lê