Hội nghị Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 31 ngày 2 - 3/4 diễn ra tại Selangor, Malaysia dưới sự chủ trì của Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia và Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự sự kiện, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ủng hộ sự đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Bà Thornton chia sẻ ý tưởng của Mỹ về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhấn mạnh Mỹ mong muốn cùng ASEAN và các đối tác ở khu vực xây dựng một trật tự cân bằng, bình đẳng, tự do thương mại, đầu tư, dựa trên luật lệ.
Mỹ cũng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đi vào đàm phán thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Washington nhấn mạnh ủng hộ việc giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng chủ quyền và không quân sự hoá.
Các nước ASEAN đánh giá cao việc chính quyền Trump tiếp tục duy trì cam kết với ASEAN và khẳng định hợp tác chặt chẽ với Mỹ để triển khai các chương trình hợp tác hiệu quả, qua đó hỗ trợ ASEAN tăng cường tính "tự cường và sáng tạo" và thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng 2025.
Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch hành động 2016 - 2020, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như tự do thương mại và đầu tư, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế số, tăng cường kết nối, hợp tác biển, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như chống khủng bố, an ninh hàng hải, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định lại lập trường và các nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nêu bật những cơ hội và thách thức mà ASEAN, Mỹ và các đối tác khác của ASEAN cần hợp tác để xử lý như cướp biển, buôn bán người, buôn bán ma túy, đánh bắt cá trái phép, môi trường biển và ứng phó thiên tai thảm họa, giải quyết hoà bình các tranh chấp.
Ông nhấn mạnh những vấn đề này cần được giải quyết thông qua các khuôn khổ và cơ chế khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, nhằm duy trì môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực.
Phương Vũ