Sau khi binh nhất Jack Teixeira thuộc Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia bang Massachusetts gây ra khủng hoảng rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng, chính phủ Mỹ đang ráo riết siết chặt kỷ luật thông tin, hạn chế quyền truy cập dữ liệu mật, thậm chí với cả một số người vẫn nhận được chúng trước đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuần qua yêu cầu Lầu Năm Góc trong vòng 45 ngày "rà soát và đánh giá" các quy trình bảo mật thông tin, sau khi một số tài liệu tình báo được cho là do Teixeira làm rò rỉ đã đến được tay hàng nghìn người trên mạng xã hội.
Điều trần trước quốc hội ngày 18/4, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết ông đã chỉ đạo tất cả các thành viên lực lượng đánh giá lại mọi thủ tục an ninh, bảo mật trong 30 ngày tới và xác định đâu là những "thông tin cần biết" đối với mỗi cá nhân.
Ông cũng chỉ đạo thanh tra toàn diện Đơn vị Tình báo 102 trực thuộc Căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Otis, nơi Teixeira từng làm việc, và giao lại nhiệm vụ của đơn vị này cho các bộ phận khác.
Nhưng trong quá trình gấp rút bịt các lỗ hổng gây rò rỉ thông tin, nhiều quan chức bày tỏ lo ngại rằng nỗ lực này có thể đi quá xa, khiến tình báo Mỹ "tự bắn vào chân" khi hạn chế quyền truy cập hợp pháp của những người cần các thông tin mật để phục vụ công việc bảo vệ an ninh quốc gia.
Suốt nhiều thập kỷ, chính phủ Mỹ đã không ngừng mở rộng quyền tiếp cập thông tin mật cho các nhóm đối tượng khác nhau. Nỗ lực đó được tăng cường sau khi một ủy ban quốc hội điều tra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 kết luận rằng việc thiếu chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan an ninh là lý do khiến Mỹ không kịp thời phát hiện âm mưu của al-Qaeda.
"Sau sự kiện 11/9, người ta thúc đẩy chia sẻ thông tin tình báo để đảm bảo sử dụng chúng một cách hiệu quả, nhưng điều này cũng đi kèm rủi ro", John P. Carlin, cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, nói. Khi càng nhiều người được quyền truy cập thông tin mật, càng có nhiều nguy cơ bị rò rỉ thông tin, dù tất cả đều tuyên thệ bảo vệ bí mật của chính phủ.
Sau khi Chelsea Manning, một nhà phân tích tình báo của quân đội, làm rò rỉ các tài liệu mật về cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan vào năm 2010, Mỹ đã tìm cách bảo vệ chặt chẽ hơn tài liệu tình báo, tập trung vào cơ chế phân bổ thông tin.
Mặc dù chính phủ cũng tìm cách hạn chế quyền truy cập vào thông tin mật, họ chú ý nhiều hơn đến việc kiểm soát cách thức những tài liệu đó có thể được lan truyền hay sao chép. Ví dụ, USB bị cấm sử dụng trên các máy tính bảo mật và nhiều biện pháp khác được bổ sung nhằm giám sát cách một người xử lý tài liệu mật đã in.
Tuy nhiên, vụ rò rỉ gần đây đã đặt ra câu hỏi tại sao một quân nhân cấp thấp như Teixeira lại cần có quyền truy cập vào các tài liệu mật cấp quốc gia, những thông tin nhạy cảm nhất.
Sự việc khiến các quan chức an ninh ngay lập tức chạy đua hạn chế mọi quyền truy cập thông tin mật, mặc dù họ không cung cấp bất kỳ con số cụ thể nào.
"Tôi không thể tiết lộ con số chính xác những người đã bị thu hồi quyền truy cập, nhưng chúng tôi đang sàng lọc lại danh sách phân phối thông tin cũng như những người có quyền tiếp cận một số thông tin nhất định", Sabrina Singh, phát ngôn viên Lầu Năm Góc hồi đầu tuần cho biết. "Nỗ lực đó sẽ được tiếp tục và không dừng lại trong ngày mai hay tuần sau".
Hàng năm, Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ công bố một báo cáo về số người được quyền tiếp cận tài liệu mật, nhưng báo cáo gần nhất được đưa ra là vào năm 2019.
Theo báo cáo này, hơn 1,25 triệu người được cấp quyền tiếp cận tài liệu tuyệt mật, trong khi hơn 1,69 triệu người được phép đọc tài liệu tối mật của chính phủ Mỹ. Hơn 2 triệu người được quyền truy cập tài liệu mật hoặc nhạy cảm.
Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho hay Tổng thống Joe Biden cũng đã chỉ đạo cộng đồng tình báo và cả các cơ quan khác trong chính quyền cùng xem xét lại các quy trình bảo mật.
Bản ghi nhớ được Bộ trưởng Quốc phòng Austin công bố hôm 18/4 đã nhắc lại những quy trình xử lý thông tin nhạy cảm đang được áp dụng, trong đó có bảo vệ các hồ sơ mật cũng như lưu trữ và hủy thông tin khi cần thiết. Nhưng bất kỳ thay đổi nào đối với việc phân bổ và tiếp cận thông tin tình báo, nếu được tiến hành, chắc chắn sẽ mất thời gian, giới quan sát đánh giá.
Chính quyền Tổng thống Biden gần đây đã ra quy định hạn chế những quy tắc làm việc từ xa thời Covid-19, động thái mà các quan chức cho rằng sẽ giúp thu hẹp hơn nữa địa điểm cũng như thời gian tiếp cận thông tin mật.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay những người đã thôi công việc đòi hỏi họ phải được truy cập vào thông tin tình báo từ nay sẽ bị xóa khỏi danh sách cấp quyền ngay lập tức.
Trước đây, khi các quân nhân Mỹ được luân chuyển công tác, thường là ba năm một lần, họ sẽ nhận được địa chỉ email mới cho đơn vị hoặc nơi đóng quân mới. Nhưng nhiều quân nhân gần đây vẫn giữ email cũ khi chuyển công tác, cho phép họ tiếp tục nhận thông tin mật từ công việc trước đó, các cựu quan chức quân đội cho biết.
Dù quân hàm rất thấp, các nhân viên công nghệ thông tin như Teixeira thường có quyền truy cập vào thông tin mật ở cấp độ cao vì yêu cầu công việc. "Bạn cần những người như vậy để chuyển tài liệu, đảm bảo kết nối các hệ thống máy tính lưu trữ tài liệu mật", John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời tổng thống Donald Trump, nói.
Bởi vậy, Bolton cùng nhiều cựu quan chức và chuyên gia Mỹ cho rằng việc siết chặt quản lý thông tin mật quá mức sẽ gây cản trở đáng kể cho hoạt động phối hợp giữa các bộ phận, trong bối cảnh chính phủ Mỹ đóng dấu mật hơn 50 triệu tài liệu mỗi năm. Khi không được chia sẻ, chúng sẽ chỉ nằm yên trong kho lưu trữ của Lầu Năm Góc hay Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), trong khi các cơ quan khác không có dữ liệu cần thiết để đối phó với các mối đe dọa an ninh.
"Tôi muốn chúng ta phản ứng với cuộc khủng hoảng này bằng cách bảo vệ những thông tin quan trọng bằng hệ thống, cách thức và kỷ luật phù hợp, nhưng tôi sợ rằng phản ứng thái quá sẽ phản tác dụng", John Hyten, cựu phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói. "Chìa khóa nằm ở việc xác định thông tin nào là quan trọng, ai có nhu cầu phải biết chúng và để những người không có phận sự đứng ngoài".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Bloomberg)