"Chúng ta đang bước vào giai đoạn khó khăn. Nếu quỹ đạo dịch bệnh tại Mỹ tương tự Anh, có khả năng số ca nhiễm mới mỗi ngày sẽ lên tới 200.000", tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trả lời phỏng vấn hôm 26/7.
Ông dự đoán tình trạng tử vong vì Covid-19 sẽ không quá nghiêm trọng như trước đây do những nhóm dễ tổn thương đã được tiêm chủng, nhưng cảnh báo số người chết vẫn sẽ "tăng đều đặn và đó là những cái chết có thể phòng tránh".
Số ca nhiễm nCoV tại Mỹ gần đây tăng mạnh khi biến chủng Delta ngày càng trở nên phổ biến, với tổng số ca nhiễm và tử vong hiện nay lần lượt là 35.337.883 và 627.359, tăng 49.052 và 289 trong vòng 24 giờ. Tất cả các bang tuần qua đều ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn so với một tuần trước đó, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Lần gần đây nhất Mỹ ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm nCoV mới trong một ngày là vào tháng 1. Dù chiến dịch tiêm chủng đã đạt thành tựu đáng kể, mới chỉ 49,1% dân số được tiêm đầy đủ và tỷ lệ tiêm hàng ngày đang chậm lại.
Sau khi nhiều địa phương khôi phục quy định đeo khẩu trang, giám đốc CDC Rochelle Walensky hôm 27/7 cho biết cơ quan này cũng khuyến nghị những người đã tiêm chủng đầy đủ sống ở các khu vực có mức độ lây nhiễm cao và nghiêm trọng đeo khẩu trang tại nơi công cộng khép kín, đồng thời giải thích sự thay đổi này là cần thiết vì biến chủng Delta đang lây lan khắp cả nước.
Toàn cầu đã ghi nhận 195.904.778 ca nhiễm nCoV và 4.192.042 ca tử vong, tăng lần lượt 621.339 và 10.175, trong khi 177.547.620 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tại châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 27/7 cho biết 70% người trưởng thành tại Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Tổng cộng 57% trong số những người trên 18 tuổi tại 27 quốc gia thành viên đã được tiêm đầy đủ.
"Những con số này giúp châu Âu vươn lên hàng đầu thế giới về tiêm chủng, nhưng chúng ta cần tiếp tục nỗ lực", von der Leyen cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cảnh báo biến chủng Delta "vô cùng nguy hiểm" ngày càng phổ biến tại châu Âu, tỷ lệ lây nhiễm cũng bắt đầu tăng trở lại.
"Do đó tôi kêu gọi mọi người, những người có cơ hội, hãy tiêm vaccine vì sức khỏe của chính mình và để bảo vệ người khác", bà cho hay. Ủy ban châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo tiêm chủng cho EU, đã đặt mục tiêu 70% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ vào cuối hè.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi thận trọng, dù tỷ lệ lây nhiễm tại nước này đã giảm 7 ngày liên tiếp, với 23.511 ca nhiễm mới được báo cáo hôm 27/7, giảm gần 50% so với một tuần trước. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Anh hiện nay lần lượt là 5.745.526 và 129.303.
"Một vài số liệu của chúng ta trong 6 ngày qua rõ ràng tốt hơn, nhưng điều vô cùng quan trọng là chúng ta không được phép để bản thân lơi lỏng với những kết luận sớm về tình hình này. Mọi người phải tiếp tục thật thận trọng và đó vẫn là cách tiếp cận của chính phủ", Johnson phát biểu hôm 27/7.
Tại châu Á, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản tăng kỷ lục vào ngày thi đấu Olympic thứ tư với 2.848 ca, tăng gấp đôi so với tuần trước và vượt qua mức kỷ lục trước đó vào tháng một là 2.520 ca. Số trường hợp nghiêm trọng cũng tăng lên 82, trong khi số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày ở mức 1.763.
Ban tổ chức Olympic cho biết 7 ca nhiễm mới cũng liên quan trực tiếp đến Thế vận hội, bao gồm hai vận động viên. Tổng cộng 155 ca nhiễm liên quan đến Olympic đã được ghi nhận, thông qua một chương trình xét nghiệm mở rộng nhằm đảm bảo an toàn trong thời gian thi đấu.
Giới chuyên gia trước đó từng lo ngại tình trạng lây nhiễm nCoV tại Tokyo có thể lên đến mức tồi tệ chưa từng thấy trong thời gian đăng cai Olympic 2020 vì biến chủng Delta.
Nhiều người Nhật cũng phản đối nước này tổ chức Olympic, vốn bị trì hoãn từ năm ngoái, do lo ngại việc các đoàn thể thao từ khắp thế giới tập trung lại có thể gây ra một sự kiện siêu lây nhiễm. Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga khẳng định tình trạng số ca nhiễm gia tăng sẽ không dẫn tới nguy cơ hủy Olympic, nhưng kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài khi không cần thiết và xem các môn thi đấu qua truyền hình.
Tại Đông Nam Á, vùng dịch lớn nhất khu vực là Indonesia hôm qua ghi nhận số người chết vì Covid-19 kỷ lục trong vòng 24 giờ, lên tới 2.069 người, tăng mạnh so với kỷ lục được báo cáo vào tuần trước là 1.566 ca. Số ca nhiễm mới cũng tăng vọt lên 45.203, trong khi con số một ngày trước đó khoảng 28.000. Tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Indonesia hiện nay lần lượt là 3.239.936 và 86.835.
Indonesia vừa nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép các cửa hàng nhỏ, quán ăn ven đường và một số trung tâm thương mại tái mở cửa sau ba tuần phong tỏa một phần. Giới chuyên gia y tế cảnh báo quyết định này có thể châm ngòi một làn sóng lây nhiễm mới, khi biến chủng Delta vốn đã khiến Indonesia vượt cả Ấn Độ và Brazil thành tâm dịch toàn cầu.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết quyết định xuất phát từ việc tỷ lệ nhiễm và lấp đầy bệnh viện hàng ngày đang có xu hướng giám, bao gồm tại thủ đô Jakarta. Tuy nhiên, biến chủng Delta đã xuất hiện tại hơn 10 khu vực ngoài Jakarta, Java và Bali, nơi số ca nhiễm cũng tăng vọt vài tuần gần đây.
Thái Lan, nơi cũng đang chật vật ứng phó Covid-19, ghi nhận 14.150 ca nhiễm mới và 118 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 526.828 và 4.264. Giáo sư Anucha Apisarnthanarak, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Thammasat, nhận định không rõ khi nào ca nhiễm hàng ngày sẽ bắt đầu giảm.
"Rất nhiều trường hợp không có nơi điều trị thích hợp vì bệnh viện hay bệnh viện đã chiến đều không có giường. Họ phải ở nhà hoặc một số nơi khác. Mức độ lây nhiễm trong tình cảnh vaccine chưa được phổ biến rộng rãi có thể rất đáng báo động và theo cấp số nhân", ông cảnh báo.
Dịch bệnh bùng phát ngày càng trầm trọng khiến người dân phẫn nộ với chiến dịch triển khai vaccine của đất nước. Khoảng 5% dân số Thái Lan đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 17% đã được tiêm một mũi.
Campuchia, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu Đông Nam Á với hơn 60% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccine, vẫn phải vật lộn với đợt bùng phát biến chủng Alpha và nguy cơ tấn công từ chủng Delta. Hàng trăm ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày, với tổng số ca nhiễm và tử vong hiện lần lượt là 74.386 và 1.324.
Trong năm 2020, Campuchia ghi nhận chưa tới 500 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong vì Covid-19 nào. Tuy nhiên, đợt bùng phát biến chủng Alpha, lần đầu xuất hiện tại Anh, ngay khi họ bắt đầu tiêm chủng đã khiến ca nhiễm và tử vong tăng vọt chỉ trong 5 tháng.
Tiến sĩ Michael Thigpen tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Campuchia, cho biết đợt dịch này bùng phát do những vi phạm trong quá trình cách ly, khiến "hàng trăm người nhiễm virus đã đi khắp thủ đô và các tỉnh thành khác".
Chính quyền đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong nhiều tuần trước khi kết thúc vào tháng 5, đồng thời tăng cường các hình phạt đối với người vi phạm quy định giãn cách và hạn chế đi lại, cũng như tăng tốc tiêm chủng.
Ánh Ngọc (Theo Worldometers, CNN, AFP, Reuters)