"Với tầm quan trọng của đề xuất này, nó sẽ cần được đánh giá một cách gấp rút nhưng cẩn thận để quyết định lực lượng nào thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ có thể được huy động an toàn cho nỗ lực phòng chống dịch", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong thông cáo hôm 28/1.
Phát ngôn viên Kirby cho biết sẽ không bất ngờ nếu lực lượng hỗ trợ bao gồm binh sĩ chính quy, Vệ binh Quốc gia và lính dự bị. Lầu Năm Góc không công bố con số cụ thể, nhưng một quan chức Mỹ giấu tên cho biết quân đội Mỹ có thể huy động hàng nghìn binh sĩ cho nỗ lực triển khai vaccine.
Phát biểu được đưa ra sau khi FEMA kêu gọi Bộ Quốc phòng Mỹ hỗ trợ triển khai vaccine, nhằm thực hiện mục tiêu tiêm 150 triệu liều vaccine Covid-19 trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Lầu Năm Góc từng triển khai 47.000 lính Vệ binh Quốc gia hỗ trợ các chiến dịch ứng phó Covid-19 trên khắp nước Mỹ trong giai đoạn cao điểm dưới thời chính quyền cựu tổng thống Donald Trump, 20.000 người vẫn tham gia các hoạt động này. Lực lượng công binh lục quân cũng xây hàng nghìn phòng điều trị để giảm tải cho các bệnh viện điều trị người mắc Covid-19.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 26,3 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 443.000 người đã chết.
Giới chức y tế Mỹ hôm 28/1 thông báo lần đầu phát hiện biến chủng virus có nguồn gốc từ Nam Phi trên hai bệnh nhân tại bang Nam Carolina. Các chuyên gia y tế cho rằng đây là thách thức đáng báo động trong nỗ lực phòng chống dịch, bởi nhiều phòng thí nghiệm nhận định nó có khả năng kháng vaccine và giảm hiệu quả của kháng thể.
Thông tin được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Sở Y tế bang Minnesota ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng nCoV siêu lây nhiễm có nguồn gốc Brazil, trong khi chủng virus từ Anh đã xuất hiện ở ít nhất 28 bang.
Biden hôm 25/1 nói rằng Mỹ sẽ sớm tiêm vaccine cho 1,5 triệu người/ngày, mức tăng đáng kể so với mục tiêu 1 triệu người/ngày của chính quyền tiền nhiệm. Đến chiều 26/1, có khoảng 22,7 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người Mỹ, trong đó khoảng 3,3 triệu người đã tiêm đủ hai liều.
Biden cho biết các yếu tố chính liên quan đến việc tăng cường tiêm chủng là có đủ vaccine, ống tiêm và các trang thiết bị khác cùng nhân lực phân phối chúng. Nguồn cung vaccine và việc có đủ liều để tiêm hay không là mối lo ngại chính của chính quyền Biden.
Vũ Anh (Theo Reuters)