Kết thúc đàm phán BTA với Mỹ không có nghĩa sẽ dễ dàng hơn khi đàm phán WTO. |
Ông Bạc có ý nhắn nhủ “đàm phán với Mỹ còn nhiều chông gai”. Điều này chính những nhà đàm phán Trung Quốc đã trải nghiệm. Quá trình đàm phán 15 năm của Trung Quốc cuối cùng đã kết thúc bằng một hình ảnh rất đáng nhớ, đó là ngay sau khi Trung Quốc kết thúc đàm phán với Mỹ thì Pascal Lamy, lúc đó là Cao ủy Thương mại châu Âu, và các đoàn đàm phán khác lần lượt bay sang Bắc Kinh để ký với Trung Quốc.
Trong đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), người ta ví Mỹ như chiếc xe lu đi trước “càn quét” toàn bộ sân chơi WTO, các nước còn lại có thể đi sau và hưởng lợi từ những đường ủi phẳng lì. Thậm chí có nước chỉ chờ Mỹ đàm phán, bởi vì theo nguyên tắc của WTO là “cùng hưởng” thì những lợi ích gì Mỹ đàm phán được, các thành viên còn lại đều được hưởng.
Có thể nói các nhà đàm phán Việt Nam đang thực hiện một chiến thuật ngược lại. Đó là kết thúc đàm phán với các đối tác khác trước rồi mới đến Mỹ. Giờ đây mọi con mắt đều đổ dồn vào “chướng ngại” cuối cùng trên con đường đến ngôi nhà WTO của Việt Nam.
Sau các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại song phương kéo dài hơn 5 năm trời mà nhiều chuyên gia Việt Nam đã nhận xét thẳng là “khó chơi”, Mỹ đã trở nên một đối tác đàm phán chẳng xa lạ gì. Theo ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, thì trong đàm phán người Mỹ ít chịu sức ép. Đối với họ “Mỹ là Mỹ, châu Âu là châu Âu, Trung Quốc là Trung Quốc”. Ngay các đối tác lớn trên thế giới khi đàm phán với Mỹ cũng phải ngán ngẩm.
Trong chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải đến Mỹ, người ta trông đợi hai bên kết thúc đàm phán, khi biết rằng Việt Nam đã cử một phái đoàn đàm phán hùng hậu nhất từ trước đến nay sang Washington, và hai bên đã thể hiện quyết tâm rất cao. Nhưng cuối cùng, trong cuộc đàm phán đó hai bên cũng chỉ thông báo là đạt được nhiều tiến bộ. Đến thời điểm này, tình hình buộc hai bên phải thực tế hơn nhiều, vì vòng đàm phán tiếp theo dự kiến tiến hành vào tháng 7 đã không diễn ra. Như vậy, cần kết thúc đàm phán trước tháng 9, thời điểm diễn ra phiên đàm phán đa phương thứ 10 (dự kiến là phiên cuối cùng). Hai bên dự kiến, để kết thúc cần khoảng hai vòng đàm phán nữa, một ở Hà Nội và một ở Washington.
Theo các chuyên gia trong cuộc, hiện nay hai vấn đề gay cấn nhất là trợ cấp công nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước. Về vấn đề mở cửa thị trường và thuế, hiện Mỹ đang xem xét đề nghị mở cửa thị trường Việt Nam cả gói. Ngoài ra, các vấn đề như thương quyền, sở hữu trí tuệ, dịch vụ cũng được đặc biệt quan tâm. Trong lĩnh vực luật pháp, phía Mỹ đánh giá cao chương trình sửa đổi luật pháp năm 2005 đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận và thông qua. Nếu Việt Nam chưa kịp thông qua từng luật thì sẽ có một hình thức cam kết cả gói.
Quá trình đàm phán của hai bên còn bị phức tạp thêm bởi một số thủ tục đặc thù của nền chính trị Mỹ. Hằng năm Mỹ gia hạn quy chế thương mại bình thường tạm thời cho Việt Nam, điều này phải được sự chuẩn y của Quốc hội Mỹ sau khi được phía hành pháp yêu cầu. Việc Việt Nam và Mỹ ký kết thỏa thuận để Việt Nam gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Mỹ phải dành quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam như cho bất kỳ một thành viên WTO nào. Quốc hội Mỹ cũng đóng vai trò trong quá trình này với việc phê chuẩn quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam sau khi phía hành pháp thông báo kết thúc đàm phán. Để tiết kiệm thời gian, trong quá trình đàm phán nếu hai bên đạt được đột phá, hành pháp có thể gửi bản tóm tắt cam kết để quốc hội có thời gian chuẩn bị thảo luận chuẩn y. Đây đang là thời kỳ Quốc hội Mỹ chuẩn bị không nhóm họp (nghỉ hè từ ngày 1/8 đến 5/9), như vậy nếu hai bên nỗ lực trong tháng 8, thì đầu tháng 9 có thể chuyển sang để quốc hội phê chuẩn.
(Theo TBKTSG)