Trong một buổi họp báo, ông cho biết: "Chẳng có lựa chọn nào là ổn trong tình huống đó cả. Chúng ta không có cây đũa thần để ước đừng có biến động xảy ra, nếu lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ không thể thanh toán đúng hạn".
Theo CNN, giới đầu tư kỳ vọng Bộ Tài chính sẽ làm tất cả những gì có thể để ưu tiên thanh toán cho các trái chủ, nhằm trấn an thị trường. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm thị trường sẽ lạc quan nếu các nhà đầu tư vẫn được thanh toán, còn các lĩnh vực khác của nền kinh tế thì đình trệ.
Tổng thống Obama cũng một lần nữa bác bỏ gợi ý có thể viện dẫn tu chính án (điều luật sửa đổi) thứ 14 trong Hiến pháp Mỹ. Luật này cho biết: "Tính hợp lệ của nợ công Mỹ, được pháp luật ủy quyền…và không thể bị nghi ngờ". Điều này cũng có nghĩa, ông Obama có thể chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew tiếp tục vay tiền để chi trả cho Mỹ, kể cả khi Quốc hội không ủy quyền nâng trần nợ.
Tuy nhiên, Tổng thống cho rằng hành động như vậy sẽ gây ra cuộc chiến pháp lý. "Nếu có tranh cãi pháp lý về quyền phát hành nợ của Bộ Tài chính, thiệt hại sẽ vẫn xảy ra, kể cả việc đó theo đúng hiến pháp. Do nhà đầu tư sẽ trở nên hoang mang và lo lắng", Tổng thống cho biết.
Ông so sánh tình huống này với việc người mua nhà chần chừ khi cân nhắc liệu người bán có thực sự là chủ nhân căn nhà hay không. "Anh sẽ lo lắng khi mua nó. Tối thiểu thì anh cũng muốn mua với giá rẻ hơn", ông giải thích.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho biết các biện pháp phi thường để giúp Mỹ chưa vỡ nợ sẽ hết tác dụng trước ngày 17/10. Khi ấy, cơ quan này sẽ chỉ còn 30 tỷ USD, cộng thêm doanh thu thuế. Trong khi đó, những khoản mà họ phải chi ra có thể lên tới 60 tỷ USD. Bộ Tài chính sau đó có thể hết sạch tiền vào khoảng 22/10 – 1/11, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội và Trung tâm Chính sách lưỡng đảng.
Jack Lew sẽ có buổi điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện vào ngày mai. Theo Tổng thống Obama, ông Lew sẽ công bố chi tiết hơn các kế hoạch ưu tiên thanh toán của Bộ Tài chính.
Thùy Linh