Giới chức chính quyền và quân đội Mỹ đang tranh cãi về việc liệu Tổng thống Nga Putin thực lòng ủng hộ một sáng kiến hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria hay ông đang dùng nước cờ đàm phán để che giấu những nỗ lực mới hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, theo Reuters.
Một số quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết Nga vừa triển khai pháo binh đến gần thành phố Aleppo, nơi đang bị phe nổi dậy Syria chiếm giữ. Họ cáo buộc sau khi tuyên bố rút quân khỏi Syria hồi tháng ba, Nga vẫn tiếp tục củng cố lực lượng tại đây bằng các trực thăng chiến đấu tân tiến trang bị súng hạng nặng, đồng thời mở hàng loạt đợt oanh kích mới nhằm vào các nhóm phiến quân ôn hòa Syria.
Nhiều người còn cảnh báo nếu Washington không phản ứng, Moscow sẽ xem đây như một dấu hiệu cho thấy sự rụt rè của Mỹ. Theo họ, thái độ im lặng sẽ khuyến khích Nga leo thang các thách thức đối với Mỹ và quân đội đồng minh bằng những hoạt động không quân hay hải quân mang tính khiêu khích hơn.
Họ cũng lập luận rằng việc Washington làm ngơ trước những động thái của Moscow ở Syria sẽ gây tổn thương thêm cho quan hệ giữa Mỹ với Arab Saudi, các nước vùng Vịnh đang tìm cách phế truất ông Assad cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã hỗ trợ Mỹ tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo đó, giải pháp tối ưu mà Mỹ nên thực hiện lúc này là đẩy mạnh cung cấp vũ khí, như tên lửa chống tăng hay súng phóng lựu, cho các nhóm phiến quân ôn hòa thông qua nước thứ ba.
Song, các quan chức khác, bao gồm cả Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, lại bác bỏ mọi kế hoạch leo thang quân sự của Mỹ ở Syria.
"Bà Rice đang phá hỏng kế hoạch", một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Bản thân Tổng thống Barack Obama từ lâu cũng không muốn Mỹ can dự quá sâu vào cuộc nội chiến Syria. Hồi tháng 10 năm ngoái, ông khẳng định Washington sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chiến giấu mặt với Moscow. Kể từ đó, chính quyền Mỹ chỉ tập trung đẩy mạnh chiến dịch không kích IS ở đông bắc Syria.
Nhà Trắng hiện từ chối đưa ra bình luận liên quan đến thông tin nội bộ Mỹ tranh cãi về vấn đề Syria hay ý đồ của Tổng thống Nga tại Syria.
Bất đồng trước tính toán của Putin
Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đã phải rất vất vả tìm cách đọc ý đồ của ông Putin kể từ khi Nga bất ngờ triển khai lực lượng đến Syria vào tháng 9 năm ngoái với mục tiêu đề ra là tấn công các nhóm khủng bố. Việc Tổng thống Nga đột ngột ra lệnh rút một phần lực lượng khỏi Syria cùng các bước đi khác của ông tại chiến trường này đang tiếp tục khiến những nhà hoạch định chính sách phương Tây phải đau đầu dự đoán nước cờ tiếp theo của ông là gì, cây bút Jonathan Landay và Phil Stewart từ Reuters nhận định.
Những cuộc tranh luận đang diễn ra về cách phản ứng trước các động thái quân sự của Nga ở Syria phần nào cho thấy những mối bất đồng tồn tại ở Washington quanh việc liệu ông Putin có thành thực khi thể hiện thái độ ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình cho Syria tại Geneva, Thụy Sĩ, do Liên Hợp Quốc bảo trợ hay không, giới phân tích nhận định.
Nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ nghi ngờ ông Putin không có khả năng hoặc không sẵn sàng thúc ép Tổng thống Syria Assad đưa ra nhiều nhượng bộ hơn trong đàm phán.
"Hoặc là Nga đã lừa dối ông Obama và Ngoại trưởng Kerry hoặc là họ tự lừa dối chính mình", nguồn tin nắm rõ cuộc tranh cãi nội bộ Mỹ nói.
Trái lại, một nhóm quan chức tình báo và quân sự Mỹ tin rằng ông Putin thực sự ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình cho Syria. Song theo họ, ông Assad sẽ tìm cách cản trở tiến trình đàm phán ở Geneva và phớt lờ lệnh ngừng bắn với phe nổi dậy Syria nhằm khiêu khích lực lượng này phản ứng, từ đó khiến lệnh ngừng bắn đổ vỡ. Lúc này, ông Putin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng cường ủng hộ đồng minh Syria.
"Tôi nghĩ chính quyền Syria đã chơi một nước cờ cao tay. Họ đang trì hoãn vì biết rõ sự kiên nhẫn của phe đối lập sẽ cạn kiệt", chuyên gia Charles Lister từ Viện nghiên cứu Trung Đông, nhận xét.
Trong khi đó, một nhóm quan chức và chuyên gia Mỹ khác lại cho rằng ông Putin chưa bao giờ thành thực về ngoại giao và Tổng thống Obama cũng như Ngoại trưởng Kerry đã quá ngây thơ khi tin vào những tuyên bố ủng hộ đàm phán hòa bình cho Syria.
Theo họ, quyền lực của ông Assad là quân bài đảm bảo Nga vẫn giữ được quân cảng Tartus bên bờ Địa Trung Hải và một căn cứ không quân ở phía bắc Syria, hai căn cứ quân sự duy nhất của Nga nằm ngoài phạm vi lãnh thổ Liên Xô trước đây.
Đồng tình với nhận định trên, ông Jeffrey White, cựu chuyên gia cấp cao thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, nay làm việc tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, cho rằng "đây là một ván cờ gieo hoài nghi mà ông Putin đã chủ trương ngay từ đầu".
"Tôi không nghĩ ông Assad bị qua mặt. Tôi nghĩ họ có cùng suy nghĩ", White bình luận.
Trong bối cảnh các quan chức Washington còn tồn tại hàng loạt bất đồng quanh động thái của Moscow tại Syria, chính quyền Obama hôm 21/4 công khai bày tỏ lo ngại trước thông tin Nga đưa thêm nhiều trang thiết bị tới quốc gia Trung Đông này.
Một ngày trước đó, Lầu Năm Góc từ chối đưa ra suy đoán về động cơ của điện Kremlin.
"Tôi không biết động cơ của họ là gì. Những gì tôi biết là chúng tôi thấy các lực lượng của chính quyền Syria, với sự hỗ trợ của Nga, bắt đầu tập trung hỏa lực chiến đấu quanh thành phố Aleppo", đại tá Steve Warren, người phát ngôn của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu, hôm 20/4 nói.
"Đây là điều chúng tôi lo ngại và sẽ tiếp tục theo sát", ông Warren nhấn mạnh.
Xem thêm: Cuộc chiến Syria thay đổi diện mạo thế giới thế nào
Hồng Vân