Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chuyển cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD để hỗ trợ Kiev trong xung đột với Nga, kéo theo đó là sự tăng trưởng của ngành công nghiệp quốc phòng. Tốc độ sản xuất đạn pháo chuẩn NATO của Mỹ dự kiến sớm tăng lên gấp đôi so với mức 14.000 viên mỗi tháng trước khi xung đột Ukraine bùng phát.
Nhu cầu vũ khí của Ukraine tăng mạnh gần đây, trong bối cảnh Kiev đang tiến hành cuộc phản công quy mô lớn nhằm vào phòng tuyến kiên cố của Nga ở phía đông và phía nam. Cuộc phản công đến nay chưa đạt được kết quả như kỳ vọng của hệ thống hỏa lực và các tuyến phòng ngự áp đảo của Nga.
Trong giai đoạn đầu của cuộc phản công, Ukraine áp dụng chiến thuật xung kích kiểu NATO, dựa trên sức cơ động và hỏa lực của các loại thiết giáp phương Tây, nhằm nhanh chóng chọc thủng hệ thống phòng ngự của Nga. Tuy nhiên, xe tăng, thiết giáp phương Tây đã tỏ ra bất lực trước bãi mìn dày đặc và hỏa lực tầm xa áp đảo của Moskva.
Ukraine sau đó đã phải từ bỏ chiến thuật xung kích, quay lại cách đánh truyền thống là sử dụng pháo và tên lửa tầm xa để bào mòn phòng tuyến đối phương, thay vì lao thẳng vào bãi mìn của Nga. Chiến thuật này đòi hỏi nguồn cung đạn pháo rất lớn từ phương Tây.
Giới chuyên gia nhận định thành bại sắp tới của chiến dịch phản công sẽ phụ thuộc lớn vào năng lực chuyển giao vũ khí của Mỹ và các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ được cho là đang gặp không ít thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu đạn pháo ngày càng tăng của Ukraine cũng như "lấp đầy" kho dự trữ đang cạn kiệt của mình.
Từ tháng 2/2022, Lầu Năm Góc đã chi 2,26 tỷ USD để các nhà máy quốc phòng tăng năng suất sản xuất đạn pháo 155 mm từ 14.000 viên mỗi tháng lên 20.000 viên. Năng lực sản xuất đạn pháo 155 mm của Mỹ dự kiến sớm đạt mức 28.000 viên mỗi tháng, với mục tiêu xuất xưởng tổng cộng một triệu viên đạn vào mùa thu năm 2025.
Tuy nhiên, các công ty vũ khí Mỹ lại đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng như cầu sản xuất đạn pháo, trong đó có thuốc nổ TNT. Mỹ không còn sản xuất TNT vì đã chuyển sang dùng IMX, một chất nổ an toàn hơn.
Nhu cầu tăng vọt về đạn pháo buộc Mỹ phải quay lại dùng thuốc nổ TNT, chủ yếu được nhập từ Ba Lan. Mỹ đang tìm kiếm thêm các đối tác cung cấp khác, trong đó có Nhật Bản, nhưng sẽ phải bổ sung thêm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của Ukraine, một quan chức nước này cho biết.
Mỹ năm 2022 ký hợp đồng mua TNT dài hạn với công ty Zarya của Ukraine, nhưng mất nguồn cung này do cơ sở sản xuất của Zarya hiện nằm trong khu vực Nga kiểm soát ở miền đông.
Ngoài thuốc nổ, Mỹ và đồng minh cũng phải tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt về thuốc phóng. Martin Vencl, đại diện công ty sản xuất đạn pháo Expolisa có trụ sở tại Cộng hòa Czech, cho biết công ty đang thiếu nguyên liệu thô để sản xuất thuốc phóng, như nitroglycerin và nitrocellulose.
"Công ty chúng tôi đang chạy với công suất tối đa để sản xuất thuốc phóng cho đạn pháo 155 mm, nhưng cần phải có sự đầu tư dài hạn để có thể đáp ứng mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2026", ông Vencl nói.
Theo Camille Grand, cựu trợ lý tổng thư ký NATO về đầu tư quốc phòng, các cuộc xung đột trước đó tại Afghanistan và Iraq không khiến NATO tiêu tốn nhiều đạn pháo như tại Ukraine, nên ngành công nghiệp quốc phòng của khối đang tỏ ra chậm thích ứng với nhu cầu đạn ở mức độ cao. Một số quốc gia trong khối cũng có xu hướng chi nhiều ngân sách để mua chiến đấu cơ và xe tăng hơn là đạn dược.
"Không bộ trưởng quốc phòng nào muốn khoe rằng tôi đã mua nhiều vật tư, phụ tùng thay thế cả", ông Grand cho biết. "Họ đều muốn tuyên bố mình là người đã mua chiếc tiêm kích mới nhất".
Để giải quyết vấn đề này, Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 3 đã thông qua kế hoạch nâng năng lực sản xuất đạn pháo cỡ lớn lên 650.000 viên mỗi năm và cam kết sẽ chuyển giao tổng cộng một triệu viên đạn pháo cho Ukraine trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, ông Grand cho rằng vấn đề ở đây là thời gian.
"Thật là tốt khi biết rằng trong 5 năm tới, chúng ta sẽ có thể đẩy mạnh sản xuất và lấp đầy kho dự trữ," ông nói. "Tuy nhiên, trong thời gian đó thì Ukraine đang dần cạn kiệt vũ khí và chúng ta sẽ gặp rắc rối".
Hồi tháng 7, chính quyền Tổng thống Biden đã thông qua quyết định chuyển giao đạn chùm cho Ukraine, dù bị nhiều quốc gia phản đối vì loại vũ khí này có thể gây ra sát thương trên diện rộng, đặc biệt là với dân thường sau chiến tranh. Mỹ hy vọng rằng đạn chùm sẽ là giải pháp tạm thời để giúp Ukraine chiếm ưu thế trên chiến trường, trong lúc đợi đạn pháo được sản xuất với số lượng đủ lớn.
Từ khi xung đột Ukraine bùng phát, chính phủ Mỹ đã duyệt chi tổng cộng 44,5 tỷ USD để sản xuất vũ khí cung cấp cho Ukraine và bổ sung vào kho dự trữ. Dù vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ mới hoàn tất số hợp đồng mua vũ khí trị giá khoảng 18,2 tỷ USD, tương đương hơn 40% số tiền đã được phê duyệt.
Giới chuyên gia cho rằng đây vẫn là con số tích cực, bởi quân đội Mỹ thường bị chỉ trích là chậm chạp và rườm rà trong mua sắm vũ khí, trong đó thời gian để hoàn tất thủ tục cho một hợp đồng quân sự lớn có thể lên tới 16 tháng, chưa kể đến quá trình sản xuất và đưa vào biên chế.
Phạm Giang (Theo Washington Post)