"5 năm trước, vào ngày 25/9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đứng tại Vườn Hồng của Nhà Trắng và khẳng định 'Trung Quốc không theo đuổi quân sự hóa' trên Biển Đông và những căn cứ của họ sẽ 'không nhằm vào hay gây ảnh hưởng đến quốc gia nào'", phát ngôn viên Morgan Ortagus cho biết trong thông cáo đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27/9.
Washington cáo buộc Bắc Kinh đang theo đuổi những động thái quân sự hóa mang tính khiêu khích và liều lĩnh trên Biển Đông khi triển khai tên lửa hành trình chống hạm, mở rộng năng lực giám sát radar và tình báo tín hiệu, xây hàng chục nhà chứa và đường băng có khả năng tiếp nhận máy bay quân sự trên các thực thể tại Biển Đông.
"Trung Quốc dùng những căn cứ quân sự đó làm nền tảng đe dọa nhằm áp đặt quyền kiểm soát với những vùng biển không thuộc chủ quyền hợp pháp của họ. Chúng là điểm tập kết cho hàng trăm tàu dân quân biển và hải cảnh chuyên quấy rối phương tiện dân sự, cản trở hoạt động hành pháp, đánh bắt hải sản và khai thác dầu khí hợp pháp của những nước láng giềng. Trung Quốc đã thất hứa, không tôn trọng những tuyên bố và cam kết của họ", thông cáo có đoạn viết.
Bắc Kinh sau đó lên tiếng phản bác cáo buộc của Washington, cho rằng việc thường xuyên đề cập tới những động thái quân sự hóa của Trung Quốc là "cái cớ để Mỹ củng cố lực lượng và hoạt động ở Biển Đông, nhằm duy trì thế độc tôn hàng hải".
"Chúng tôi đã chứng kiến tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ đều đặn tiến hành hoạt động trên Biển Đông suốt năm, đồng thời tham gia nhiều cuộc diễn tập và trinh sát gần Trung Quốc nhằm leo thang căng thẳng và phô trương sức mạnh. Nước Mỹ là động lực thúc đẩy quân sự hóa lớn nhất trên Biển Đông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm nay.
Trung Quốc đơn phương vạch ra "đường lưỡi bò", yêu sách phi lý đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp phản đối quốc tế. Bắc Kinh đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển. Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh.
Trung Quốc gần đây còn thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Mỹ hồi đầu tháng 7 công bố lập trường về vấn đề Biển Đông, bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Washington cáo buộc "Bắc Kinh dùng biện pháp bắt nạt để xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông, thay thế luật quốc tế bằng tư duy 'chân lý thuộc về kẻ mạnh'".
Vũ Anh