Theo một quan chức của Trung tâm Tương tác toàn cầu (GEC) của Bộ Ngoại giao Mỹ, 4 trang web bình phong cho tình báo Nga, bao gồm New Eastern Outlook, Oriental Review, News Front và Rebel Inside, đã đăng tải thông tin sai lệch về các vaccine đối thủ.
Các trang web đưa ra nguy cơ về tác dụng phụ, đặt câu hỏi về hiệu quả và cho rằng Mỹ đã quá vội vàng khi phê duyệt sản phẩm của Pfizer. Dù lượng độc giả không lớn, Mỹ cho rằng thông tin sai lệch có thể bị phương tiện truyền thông Nga và nước khác phóng đại.
"Chúng tôi cho rằng các nền tảng này liên kết trực tiếp với cơ quan tình báo Nga. Tất cả đều thuộc quyền sở hữu nước ngoài, có trụ sở bên ngoài Mỹ. Chúng khác nhau về phạm vi tiếp cận, giọng điệu, đối tượng, nhưng đều là một phần của hệ sinh thái tuyên truyền và thông tin sai lệch từ Nga", quan chức Trung tâm Tương tác Toàn cầu nhận định.
Theo cơ quan này, các phương tiện truyền thông Nga và tài khoản Twitter của chính phủ đã cố gắng gây lo ngại về giá bán, độ an toàn của vaccine Pfizer. Chuyên gia không trực thuộc chính phủ Mỹ cho rằng đây là nỗ lực nhằm thúc đẩy hoạt động mua bán vaccine Sputnik V.
Báo cáo của Liên minh Bảo đảm Dân chủ, cho biết: "Việc hạ thấp vaccine Covid-19 Pfizer có thể xuất phát từ việc nó là loại vaccine đầu tiên bên cạnh Sputnik V được sử dụng đại trà, đe dọa vị thế thống lĩnh thị trường của Sputnik V".
Mỹ cho rằng Nga đã gieo rắc mối nghi ngờ về vaccine, tận dụng thái độ lo lắng về hiệu quả và tác dụng phụ của vaccine vốn đã phổ biến ở một số cộng đồng Mỹ và quốc tế. Theo dữ liệu Cục Điều tra Dân số công bố hồi tháng trước, lo ngại về phản ứng phụ là lý do chính dẫn đến do dự tiêm vaccine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phủ nhận cáo buộc cơ quan tình báo Nga dàn dựng các bài báo sai lệch về vaccine phương Tây. Ông cho rằng quan chức Mỹ đã hiểu lầm các cuộc tranh luận quốc tế là một âm mưu từ nước này.
"Thật vô nghĩa. Các đặc vụ Nga không liên quan gì đến những chỉ trích đối với vaccine. Nếu coi mọi chỉ trích về vaccine Sputnik V là âm mưu từ cơ quan tình báo Mỹ thì chúng tôi sẽ phát điên, vì chúng tôi nhìn thấy nó hàng ngày, hàng giờ trên mọi phương tiện truyền thông", ông nói.
Quan chức GEC cho rằng 4 ấn phẩm có liên kết trực tiếp với tình báo Nga, được chính phủ nước này sử dụng để "đánh lừa" dư luận quốc tế về một loạt vấn đề. Song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ không cung cấp bằng chứng cụ thể để đưa ra đánh giá này, chỉ cho biết đây là "kết quả của nghiên cứu liên ngành".
Thục Linh (Theo WSJ)