Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/1 công bố Đánh giá Phòng thủ Tên lửa (MDR) mới của Lầu Năm Góc, trong đó khẳng định Triều Tiên hiện vẫn là "mối đe dọa nghiêm trọng" mà Washington cần duy trì cảnh giác, theo AFP.
Báo cáo cho biết Triều Tiên gần đây đạt được thành tựu đáng kể trong việc phát triển tên lửa đạn đạo là nhờ được Nga chuyển giao công nghệ tên lửa và phòng không tiên tiến.
Phản ứng trước cáo buộc này, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho rằng những tuyên bố của Mỹ là phiến diện và thiếu căn cứ. "Washington không tìm được bằng chứng nào cho cáo buộc này và chỉ đang tìm cách lừa gạt mọi người", Matsegora nhấn mạnh.
Đây không phải lần đầu tiên Nga bị cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên về công nghệ tên lửa. Hồi tháng 8/2017, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Ukraine cho rằng động cơ RD-250 mà Triều Tiên đang sử dụng cho tên lửa đạn đạo có nguồn gốc từ Nga và thường được lắp cho các tên lửa đẩy Cyclone-2 và Cyclone-3 trong chương trình vũ trụ Nga.
Triều Tiên hồi giữa năm 2017 phóng thử thành công hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14. Hwasong-14 được đánh giá là bước ngoặt trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, có thể vươn tới các thành phố lớn ở miền đông nước Mỹ.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6/2018, Bình Nhưỡng tuyên bố ngừng toàn bộ các vụ thử hạt nhân, tên lửa. Tuy nhiên, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn lâm vào bế tắc do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quan trọng. Lãnh đạo Mỹ - Triều nhiều khả năng sẽ họp thượng đỉnh lần hai trong thời gian tới để tháo gỡ các bế tắc này.