Ngoại trưởng Mỹ Clinton phát biểu tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập chương trình học giả Fulbright. Ảnh: AFP |
Trong chuyến công du 8 quốc gia lần này của Clinton, người ta thấy bà trong hình ảnh của một đại sứ kinh tế. Nhưng những nỗ lực đặc biệt về kinh tế này chính là một thông điệp có chủ ý, dường như là Washington thấy rằng việc đề cao sự thay đổi chiến lược về quân sự, với sự tập trung vào châu Á, đã tạo ra một cảm giác đối đầu nhiều hơn mức cần thiết với Trung Quốc.
"Có một mối quan tâm chung của các bên, đó là hai cường quốc không nên bị cuốn vào một cuộc chiến", một nhà ngoại giao Đông Nam Á không nêu tên nói. "Chẳng ai muốn phải lựa chọn giữa một bên là Mỹ và bên kia là Trung Quốc".
Trên thực tế, cả Bắc Kinh và Washington đều muốn chuyển mối quan tâm cũng như cạnh tranh của mình vào thương trường hơn là chiến trường, cho dù Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra họ có lợi thế hơn trong khu vực.
"Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia", Thôi Thiên Khải, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc phát biểu tại Hong Kong trong hội nghị của Asia Society tuần trước. "Và Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở nhiều nước trong khu vực".
Ông Thôi, mặc dù nói chung chung về nhu cầu "tương tác tốt" giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng khéo léo chê chính quyền của Tổng thống Obama, vốn thường nhấn mạnh vai trò của Mỹ như một cường quốc Thái bình dương.
"Với Trung Quốc, một quốc gia nằm bên bờ Thái bình dương", ông Thôi nói, "châu Á Thái bình dương chính là quê hương bản quán".
Phần lớn chuyến công du hiện nay của bà Clinton nhằm tập trung xây dựng các mối liên kết kinh tế tại Đông Nam Á, nơi có tốc độ phát triển nhanh chóng và đang ngày càng buôn bán nhiều hơn với Trung Quốc. Tại Việt Nam, bà Clinton tham dự một sự kiện do Phòng thương mại Mỹ tổ chức; tại Campuchia bà dự hội nghị với các quan chức cấp cao của khu vực; và đến thăm Lào - nước chưa từng đón chuyến thăm nào của các ngoại trưởng Mỹ kể từ 1955.
Đã 57 năm trôi qua. Chuyến công du của bà Clinton mang mục đích dù không được nói thẳng ra, là thuyết phục Lào, nước đang nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của Bắc Kinh, coi Mỹ là một người bạn, như Trung Quốc.
Bà Clinton thực sự nổi tiếng và được ưa chuộng ở châu Á, có lẽ bởi một phần do bà hiện diện nhiều. Tại Trung Quốc và Singapore, bà được coi như một ứng viên tiềm năng cho ghế tổng thống Mỹ 2016. Đến bất cứ nơi nào, bà cũng nỗ lực điều chỉnh ấn tượng cho rằng chính quyền của Obama - với chiến lược quân sự đang hướng về châu Á - đang cố bao vây ngăn chặn sự lớn mạnh quân sự của Trung Quốc.
Quyết định của Bộ tư lệnh quân sự Thái bình dương của Mỹ không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới - RIMPAC, nơi cả Nga và Ấn Độ, vốn là các đối thủ khu vực của Trung Quốc, tham gia, khiến nhiều người nghi ngờ. Ngay cả các nhà lập chính sách có tư tưởng thân Mỹ ở Trung Quốc cũng cảm thấy bị chạm nọc và cho rằng đó là một bằng chứng nữa cho thấy chính sách bao vây.
Một vấn đề nữa mà bà Clinton cần giải quyết là trấn an các nước trong khu vực, rằng cho dù bị cắt giảm ngân sách, chính quyền Mỹ sẽ vẫn thực thi các cam kết của họ.
Nhiều quan chức Mỹ thừa nhận rằng chỗ đứng của họ ở châu Á đã bị nhường cho Trung Quốc trong nhiệm kỳ của ông Obama, một quá trình bắt đầu từ khi cựu tổng thống Bush phát động các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Như để xác thực lời của ông Thôi Thiên Khải nói trên, Ernest Z. Bower, học giả có tiếng của Mỹ về kinh tế Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế lưu ý rằng năm 2004 Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với kim ngạch 192 tỷ USD. Nhưng Trung Quốc chiếm vị trí này suốt từ những năm 1990 và hiện nay đã vượt xa con số của Mỹ, đạt 293 tỷ trong năm 2010.
Lo ngại trước viễn cảnh mất thị trường, năm ngoái Mỹ công bố sáng kiến hiệp định Xuyên Thái bình dương (TPP) nhằm tạo ra một khối thương mại bao gồm một số nước châu Á, một số nước Mỹ Latin và Mỹ. Nhưng với việc không mời Trung Quốc tham gia, Washington cũng làm dấy lên những mối nghi ngờ trong các nhà phân tích chính trị và kinh tế Trung Quốc về ý định của Mỹ.
"Tốn công mà chưa chắc được gì", Fred Hu, chủ tịch hãng tư vấn tài chính Primavera Capital Group, cựu chủ tịch Goldman Sachs tại đại lục Trung Hoa, bình luận. "Làm sao anh có thể xây dựng một tổ chức thương mại uy tín nếu anh loại quốc gia thương mại lớn nhất ra ngoài?".
Vào đầu thế kỷ này, khi "sự trỗi dậy của Trung Quốc bị nhiều nước láng giềng xem là mối đe dọa", Peter Drysdale, biên tập của Diễn đàn Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Canberra của Australia, nói. "Nhưng khi các nền kinh tế từ Hàn Quốc xuống đến Thái Lan hồi phục, và các mạng lưới cùng sản xuất trở nên vững vàng, và Trung Quốc sử dụng hoạt động ngoại giao để mở cửa thị trường cho Đông Nam Á, dường như mọi người đều có lợi".
Giờ đây Washington đang lo ngại bị bỏ lại phía sau.
"Liên kết kinh tế ở châu Á mà không có Mỹ?", Liu Xuecheng, một chuyên gia hàng đầu về Mỹ của Trung Quốc nói. "Đối với Mỹ, đó là một thách thức phải vượt qua".
Mai Trang (theo NYT)