"Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả các cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar, và sẽ thực hiện hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu những bước đi này bị đảo ngược", phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố.
Bà nói thêm Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được thông báo ngắn gọn về tình hình. Mỹ là quốc gia thứ hai lên tiếng về tình hình Myanmar sau Australia. Australia yêu cầu quân đội Myanmar lập tức thả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo khác bị bắt trong cuộc đột kích sáng nay của quân đội.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau đó cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi quân đội Myanmar thả toàn bộ quan chức bị bắt.
"Chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo quân đội Myanmar phóng thích toàn bộ quan chức chính phủ và lãnh đạo xã hội dân sự, tôn trọng ý nguyện của người dân được thể hiện qua cuộc bầu cử dân chủ hôm 8/11", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết. "Mỹ sát cánh cùng người dân Myanmar trong khát vọng của họ về dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội Myanmar phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức", tuyên bố có đoạn.
Cuộc đột kích diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và lực lượng quân đội Myanmar, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra đảo chính sau một cuộc bầu cử bị quân đội nước này cáo buộc "gian lận".
Đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng với 346 trên tổng số 412 ghế quốc hội. Tuy nhiên, quân đội Myanmar tuần trước từ chối loại trừ khả năng lên nắm quyền của bà để giải quyết những cáo buộc bất thường trong cuộc bỏ phiếu, tuyên bố đã phát hiện hơn 10 triệu trường hợp gian lận cử tri. Quân đội đã yêu cầu uỷ ban bầu cử của chính quyền công bố danh sách cử tri để kiểm tra chéo nhưng uỷ ban không đồng ý.
Myanmar từng chứng kiến hai cuộc đảo chính vào năm 1962 và 1988, kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948. Bà Suu Kyi, chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 1991, được người dân Myanmar và thế giới ca ngợi như biểu tượng đấu tranh vì tự do khi đứng lên chống lại chính quyền quân sự dù bị quản thúc suốt 15 năm.
Việc đảng NLD của bà thắng cử vào năm 2015 đã mang tới hy vọng thay đổi đất nước. Bà Suu Kyi sau đó trở thành "lãnh đạo thực quyền" của Myanmar, dù giữ chức Cố vấn Nhà nước. Đây được coi như chức danh nhằm né tránh hiến pháp Myanmar, trong đó quy định người có con hoặc vợ/chồng là công dân nước ngoài không được lên làm tổng thống. Chồng quá cố và con trai bà Suu Kyi đều mang quốc tịch Anh.
Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, người được xem là quyền lực nhất Myanmar, tuần trước cảnh báo có thể "thu hồi" hiến pháp năm 2008 trong những trường hợp nhất định.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)