Vụ phóng tên lửa PDV Mk II hôm 27/3. Video: ANI.
"Thông điệp của tôi là chúng ta đều hoạt động trên không gian, đừng biến nó thành một mớ hỗn độn", Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hôm nay phát biểu, ám chỉ vụ thử tên lửa diệt vệ tinh của Ấn Độ.
Giới chuyên gia nhận định các vụ thử vũ khí diệt vệ tinh có thể tạo ra lượng lớn mảnh vỡ, gây nguy cơ va chạm với những vật thể khác trên quỹ đạo và dẫn tới phản ứng dây chuyền khiến toàn bộ mạng lưới vệ tinh bị phá hủy. "Nếu phá hoại vũ trụ, chúng ta sẽ không thể phục hồi nó", người đứng đầu Lầu Năm Góc nói nhưng không nhắc tới Ấn Độ.
"Việc không có luật lệ quản lý là điều đáng lo. Cách mọi người phát triển và thử nghiệm công nghệ là rất quan trọng. Tôi hy vọng các quốc gia thử nghiệm sẽ không gây nguy hiểm tới tài sản của nước khác", Shanahan nói thêm.
Quyền Bộ trưởng Shanahan cho biết quân đội Mỹ vẫn đang nghiên cứu kết quả vụ thử hôm 27/3, trong đó tên lửa Phương tiện Phòng thủ Prithvi (PDV) Mk II Ấn Độ đã đánh trúng vệ tinh Microsat-R do nước này phóng lên hồi cuối tháng 1.
"Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ phát hiện và đang theo dõi hơn 250 mảnh vỡ sau vụ thử vũ khí diệt vệ tinh. Chính phủ Ấn Độ và Mỹ đã thảo luận về sự kiện này, New Delhi cũng đã đăng cảnh báo an toàn hàng không trước khi phóng tên lửa. Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) không gặp nguy hiểm", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn nói.

Tên lửa PDV Mk II rời bệ phóng hôm 27/3. Ảnh: Hindustan Times.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định vụ thử không gây ra đe dọa nghiêm trọng, cho biết đầu đạn PDV Mk II đánh trúng vệ tinh ở quỹ đạo thấp, cách mặt đất 283 km và toàn bộ mảnh vụn "sẽ rơi xuống Trái Đất và bốc cháy trong khí quyển sau vài tuần".
Nguồn tin quân đội Ấn Độ cho biết quả đạn PDV Mk II được phát triển trên nền tảng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi III và bổ sung một tầng đẩy nhiên liệu rắn. Đầu đạn không dùng thuốc nổ mà diệt mục tiêu bằng động năng, được trang bị đầu dò hồng ngoại để tăng độ chính xác.
Vụ phóng thử thành công giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới sở hữu năng lực diệt vệ tinh, sau Nga, Mỹ và Trung Quốc. Đây là một phần trong chương trình mang tên "Sứ mệnh Shakti" của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO).

Đường bay của mục tiêu và vùng mảnh vỡ (màu đỏ) sau vụ đánh chặn. Đồ họa: Hindustan Times.
Vũ Anh (Theo Reuters)