"Chúng tôi đã trao cho Ukraine gói hỗ trợ an ninh cuối cùng khi còn đủ kinh phí để thực hiện ngay sau Giáng sinh, trước thềm năm mới 2024. Chúng tôi cần phải được quốc hội đồng ý để tiếp tục thực hiện điều này", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói trong cuộc họp báo ngày 3/1.
Khi được hỏi trong trường hợp không có thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và quốc hội khiến nguồn viện trợ cho Ukraine cạn kiệt, dẫn đến phải dừng vận chuyển vũ khí, ông Kirby thừa nhận "họ sẽ phải làm như vậy".
"Tổng thống đã ký duyệt gói hỗ trợ an ninh cuối cùng mà chúng tôi được ủy quyền. Chúng tôi cần họ duyệt bổ sung để cung cấp thêm hỗ trợ an ninh cho Ukraine", ông Kirby nói.
"Mỗi gói hỗ trợ được chúng tôi đưa ra giờ sẽ luôn có độ trễ vài ngày, thậm chí vài tuần. Những gì được ký duyệt ngày 27/12/2023 vẫn chưa được chuyển đến Ukraine, chúng sẽ tới nơi trong vài tuần tới", ông Kirby cho biết. "Tuy nhiên, nếu không có nguồn tài trợ bổ sung sau đó, sẽ không có chiếc túi thần kỳ nào để cố lấy hỗ trợ cho Ukraine".
Gói viện trợ cuối cùng của Mỹ cho Ukraine trong năm 2023 theo Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA) có trị giá 250 triệu USD, bao gồm đạn và các thiết bị cho tổ hợp phòng không, rocket cho pháo phản lực HIMARS, đạn pháo 105 và 155 mm, đạn chống tăng và hơn 15 triệu viên đạn súng bộ binh.
Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA) là đạo luật cho phép chính phủ Mỹ linh động chuyển giao một số nguồn lực và thiết bị quốc phòng tồn kho cho đối tác trong tình huống khẩn cấp, không cần chờ quốc hội chấp thuận. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần sử dụng PDA để viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thúc đẩy quốc hội phê duyệt khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, phe Cộng hòa tại quốc hội Mỹ tới nay chưa thông qua đề xuất vì cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đang ưu tiên hỗ trợ cho Ukraine hơn là giải quyết các vấn đề trong nước như an ninh tại khu vực biên giới.
Bình luận về năng lực hiện tại của quân đội Nga, ông cho rằng chiến sự với Ukraine ảnh hưởng đến khả năng tác chiến của lực lượng này, đặc biệt là về kho đạn dược. Ông Kirby nói Nga "tiếp tục phải liên hệ với các quốc gia khác để bổ sung đạn pháo, tên lửa và máy bay không người lái (UAV)", song không đưa ra bằng chứng cụ thể.
"Nga vẫn còn lực lượng không quân quy mô lớn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, cũng như khả năng đáng kể của lực lượng cơ giới mặt đất", ông Kirby nói. "Dù hải quân Nga bị thách thức ở Biển Đen, chỉ có Hạm đội Biển Đen của họ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Nga có lợi thế về nhân lực vì là nước lớn hơn Ukraine".
Quan chức Nhà Trắng cho rằng lực lượng Nga không đạt nhiều thành công khi giao chiến với Ukraine trên bộ và không thật sự đạt được gì "trong cái gọi là đợt tiến công rầm rộ mà họ phát động".
"Quân đội Nga vẫn chưa rút ra những bài học mà bạn nghĩ rằng một lực lượng vũ trang hiện đại sẽ học được sau hai năm chiến sự", ông Kirby nói.
Khi được hỏi về số vũ khí cùng phương tiện chiến đấu mà phương Tây và Mỹ viện trợ bị Nga gây hư hại hoặc phá hủy, ông Kirby đề nghị chuyển câu hỏi sang cho quân đội Ukraine.
"Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo mọi thiết bị quân sự cung cấp cho Ukraine được sử dụng một cách có trách nhiệm, cũng như có thể đảm bảo với quốc hội và người dân Mỹ rằng chúng được dùng phù hợp trên chiến trường", ông Kirby nói.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Reuters)