Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick. Ảnh: Reuters |
- Xin ông cho biết sơ qua nội dung buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Khoan và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc sáng nay?
- Cuộc gặp đã diễn ra trên tinh thần cởi mở và xây dựng, hai bên đã nói chuyện trong một khoảng thời gian khá lâu. Tại cuộc gặp, tôi đã chuyển lời mời sang thăm Mỹ của Tổng thống George Bush tới Thủ tướng Phan Văn Khải. Theo đó, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ sang thăm Mỹ vào ngày 21/6 tới. Chúng tôi cũng đã điểm lại các vấn đề trong phạm vi song phương, khu vực và toàn cầu. Có thể nói, cuộc gặp cho thấy hai bên đã tạo ra một nền tảng vững chắc trong quan hệ hai nước. Tất nhiên, vẫn còn những thách thức do những yếu tố lịch sử để lại, cần cố gắng giải quyết và hướng về tương lai. Chúng tôi cũng đã dành thời gian nói chuyện về việc VN gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như môi trường đầu tư của VN.
- Liệu chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải có tạo ra bước đột phá nào cho quá trình đàm phán để VN hoàn thành mục tiêu gia nhập WTO vào cuối năm nay?
- Mỹ ủng hộ mạnh mẽ VN gia nhập WTO, tuy nhiên, tiến trình gia nhập WTO rất phức tạp, nó bao gồm một thoả thuận đa phương của thành viên mới với các thành viên cũ. Bên cạnh đó là thoả thuận song phương với một số thành viên chủ chốt.
Đối với thoả thuận đa phương với thành viên cũ, nước thành viên mới phải tuân thủ các quy định cơ bản của WTO, có nghĩa là VN sẽ phải sửa đổi lại 89 văn bản pháp luật. Như vậy, tiến trình này cũng liên quan đến hoạt động của Quốc hội VN. Về thoả thuận song phương, các phái đoàn của Mỹ sẽ bàn về việc mở cửa các thị trường như dịch vụ, hàng nông sản...Đây là một khối lượng công việc rất lớn, nhưng Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy tiến trình càng nhanh càng tốt.
- Vậy theo ông, VN nên làm gì để có thể sớm kết thúc đàm phán và gia nhập WTO?
- Như trên tôi đã nói, một nước muốn trở thành thành viên của WTO phải được sự chấp thuận của 148 nước thành viên. Việc đạt được các thoả thuận song phương và đa phương là một công việc rất nặng nề và không thể hoàn tất trong một, hai tháng. Tôi không nói chắc được công việc này còn phải kéo dài bao lâu, bởi nó còn liên quan đến các hoạt động và việc thực hiện cam kết của Chính phủ VN. Ngoài ra còn liên quan đến các thoả thuận của VN với các đối tác khác như Trung Quốc, hay Nhật Bản...
Theo đánh giá của tôi, VN đã làm được một khối lượng công việc rất lớn trong một thời gian ngắn. VN cần phát huy tinh thần này và không nên vội nghỉ ngơi, bởi sự cạnh tranh hiện nay vẫn đang diễn ra ngày một gay gắt.
- Ông được biết đến như là một người liên quan rất mạnh mẽ đến chính sách ngoại giao kinh tế của chính phủ Mỹ hiện nay. Đâu là ý tưởng trong chính sách này đối với VN?
- Tôi đã đề cập đến một số điểm ở trên. Tôi sẽ có những ý tưởng rõ ràng hơn khi đến thăm khu Công nghệ cao ở TP HCM. Theo tôi, bây giờ là thời điểm các nước phải quan tâm đến toàn cầu, vì thế, VN cần mở cửa nhiều hơn nữa để các nhà đầu tư biết đích xác VN là nơi để họ kinh doanh và đầu tư, chứ không phải Trung Quốc hay quốc gia nào khác. Bản thân tôi có ấn tượng rất tốt với tinh thần làm việc của VN. Đêm qua đến VN khá muộn nhưng vẫn thấy rất nhiều người đi xe máy trên đường và họ vẫn làm việc. Sáng nay tôi dậy sớm để đi tập thể dục và cũng thấy đã có nhiều người dậy và đi làm rồi. Tôi không biết họ ngủ lúc nào, nhưng điều đó cho thấy người VN ngày nay thật năng động và đầy nhiệt huyết.
Hà Vy