"Chúng tôi sát cánh với các bạn để bảo vệ những quy tắc và chuẩn mực quốc tế liên quan ở Biển Đông", Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nói trong cuộc gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ở dinh tổng thống tại Manila hôm nay.
Bà Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Manila từ khi ông Marcos nhậm chức vào tháng 6, báo hiệu mối quan hệ ấm lên giữa hai đồng minh, sau nhiều năm lạnh nhạt dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte.
"Một cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt đến cam kết phòng thủ chung của Mỹ. Đó là cam kết vững chắc của chúng tôi đối với Philippines", Phó tổng thống Harris nói.
Đáp lại, Tổng thống Marcos cho rằng quan hệ Philippines - Mỹ sẽ luôn gắn bó trong tương lai.
Theo Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951, Mỹ và Philippines cam kết mỗi nước có trách nhiệm bảo vệ nước còn lại trong trường hợp khu vực đô thị hoặc lãnh thổ trên Thái Bình Dương của nước đó bị lực lượng nước ngoài tấn công.
Delfin Lorenzana, bộ trưởng quốc phòng Philippines dưới thời ông Duterte, từng đề xuất điều chỉnh hiệp ước với cam kết cụ thể Mỹ phải can thiệp bảo vệ Philippines trong trường hợp xung đột xảy ra trên Biển Đông. Trong một cuộc điện đàm sau đó, ông Blinken cam kết với ngoại trưởng Philippines rằng Biển Đông nằm trong phạm vi áp dụng Hiệp ước 1951.
Bà Harris hôm nay cũng gặp người đồng cấp Philippines Sara Duterte, con gái ông Duterte. Ngày 22/11, bà sẽ đến thăm tỉnh đảo Palawan của Philippines, gặp các thành viên cảnh sát biển Philippines trên tàu tuần tra BRP Teresa Magbanua lớn nhất nước này.
Mỹ có mối quan hệ lâu dài và phức tạp với Philippines. Mối quan hệ giữa hai nước xấu đi dưới thời ông Duterte và Mỹ hiện tìm cách củng cố liên minh an ninh với Manila dưới thời Tổng thống Marcos.
Chuyến thăm Philippines của bà Harris cũng là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm xóa bỏ mọi nghi ngờ về cam kết của nước này đối với châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho rằng chuyến thăm của bà Harris tới tỉnh Palawan thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với đồng minh lâu đời nhất ở châu Á, cũng như lo ngại với hành động của Trung Quốc trong khu vực. "Chuyến thăm là bước đi đáng kể, cho thấy mức độ nghiêm túc của Washington với tình hình hiện nay", ông nói.
Huyền Lê (Theo AFP)