Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố các công ty nước này không được xuất khẩu hàng hóa bị cấm, như chip, trực tiếp cho ZTE hoặc thông qua một nước khác. Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức. Cổ phiếu các nhà cung cấp cho ZTE đã mất giá hàng chục phần trăm trong phiên Mỹ tối qua. Cổ phiếu ZTE niêm yết tại Hong Kong và Thâm Quyến thì bị ngừng giao dịch sáng nay, do họ đang đánh giá quyết định của Mỹ và sẽ nói chuyện với với “các bên liên quan”.
Động thái của Mỹ được đánh giá là đòn giáng mạnh vào ZTE, do các công ty Mỹ cung cấp khoảng 25 - 30% linh kiện sử dụng trong các sản phẩm của ZTE. Công ty này sản xuất nhiều hàng công nghệ, từ smartphone đến thiết bị viễn thông. ZTE hiện cũng bán thiết bị cầm tay cho các nhà mạng Mỹ, từ AT&T, T-Mobile đến Sprint. Họ phải dựa vào nhiều công ty Mỹ, như Qualcomm, Microsoft và Intel để có linh kiện.
Lệnh cấm này là kết quả của việc ZTE không tuân thủ thỏa thuận với chính phủ Mỹ. Năm ngoái, họ thừa nhận trước tòa án liên bang ở Texas rằng đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi xuất khẩu trái phép hàng hóa và công nghệ Mỹ sang Iran. Công ty này đã phải trả 890 triệu USD tiền phạt và có thể phải nộp thêm 300 triệu USD nữa.
“Nếu không thể giải quyết việc này, ZTE có thể bị đánh bật khỏi thị trường. Rất nhiều ngân hàng và công ty ngoài Mỹ không muốn hợp tác với họ nữa”, Eric Hirschhorn - cựu lãnh đạo Bộ Thương mại Mỹ nhận xét.
Theo thỏa thuận năm ngoái, họ hứa đuổi việc 4 nhân viên cấp cao và kỷ luật 35 người khác bằng cách giảm thưởng. Tuy nhiên, tháng trước, ZTE thừa nhận chỉ đuổi việc 4 nhân viên, và không giảm thưởng hay kỷ luật nhóm còn lại.
Động thái của Mỹ được đưa ra chỉ 2 tháng sau khi hai nghị sĩ đảng Cộng hòa đề xuất cấm Chính phủ mua hoặc thuê thiết bị viễn thông từ 2 công ty Trung Quốc là ZTE và Huawei Technologies, do lo ngại các công ty này có thể do thám quan chức Mỹ. Nó cũng có thể làm tăng căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2016, sau khi Mỹ áp lệnh cấm xuất khẩu lên ZTE vì vi phạm lệnh trừng phạt Iran, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều lên tiếng phản đối quyết định này.
Hà Thu (theo Reuters)