TikTok, nổi tiếng toàn cầu trong hai năm qua nhờ các video nhảy và hát nhép. Ứng dụng này thuộc sở hữu của ByteDance, một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị nhất thế giới. Tổng giá trị cổ phiếu trên thị trường thứ cấp của Bytedance hiện vào khoảng 150 tỷ USD. Công ty này cũng nhận được tài trợ từ nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ, như Coatue Management và Sequoia Capital.
Ứng dụng đã chứng kiển lượt tải tăng đột biến khi virus corona giữ chân hàng triệu người ở nhà. Khoảng 315 triệu người đã tải TikTok trong quý đầu tiên của năm 2020. Đây số lượt tải xuống nhiều nhất của một ứng dụng trong một quý, nâng tổng số lượt tải của TikTok lên hơn 2,2 tỷ trên toàn thế giới, theo công ty nghiên cứu Sensor Tower.
Nhưng khi Tiktok ngày càng nổi tiếng, cùng với sự gia tăng tấn công của chính phủ Trung Quốc với các nước khác, áp lực đòi kiểm soát ứng dụng này ngày càng gia tăng.
Một số quốc gia đã bày tỏ mối lo ngại về việc ByteDance có thể chia sẻ dữ liệu người dùng thu thập được từ TikTok với chính phủ Trung Quốc. TikTok đã nhiều lần từ chối việc này. Tuy nhiên, bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng Mỹ đã cấm nhân viên tải TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ám chỉ về một lệnh cấm với TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.
Ở Australia, Chủ tịch Ủy ban lập pháp đang xem xét sự can thiệp của nước ngoài qua TikTok cùng các nền tảng khác. Mục tiêu của cuộc điều tra là làm rõ cách các nền tảng truyền thông xã hội tiếp cận quyền riêng tư của người dùng thế nào và cách kiểm duyệt nội dung của họ.
Chính phủ Ấn Độ, một trong những thị trường lớn nhất của TikTok, đã cấm ứng dụng này do lo ngại vấn đề an ninh mạng sau các cuộc đụng độ bạo lực dọc biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.
Gần đây, TikTok khiến các nhà quan sát ngạc nhiên khi phản ứng mạnh hơn cả các công ty công nghệ phương Tây đối với việc Trung Quốc áp đặt kiểm soát Internet ở Hong Kong. Trong khi Twitter, Facebook và Google từ chối các yêu cầu cấp dữ liệu từ cảnh sát Hong Kong, TikTok đã rút hoàn toàn khỏi khu vực này. Động thái đó như một phần nỗ lực chứng tỏ ứng dụng không chịu sự kiểm soát như các ứng dụng từ Trung Quốc khác.
"ByteDance là gã khổng lồ công nghệ đầu tiên của Trung Quốc thành công ngoài Trung Quốc và khiến giới công nghệ của nước này phải ghen tị. Nhưng công ty đang thấy cái giá của thành công có lẽ cao hơn là giá của thất bại", Peter Fuhrman, Chủ tịch của công ty tư vấn đầu tư China First Capital cho biết. ByteDance đã làm tốt hơn các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, như Alibaba và Tencent khi vươn ra toàn cầu, dù họ dùng ít kinh phí đầu tư hơn.
Các cuộc thảo luận của ByteDance về thay đổi cách thức hoạt động của TikTok vẫn ở giai đoạn bắt đầu. Việc thành lập một ban điều hành độc lập sẽ cho phép ứng dụng có một mức độ tự chủ với công ty mẹ. TikTok đang xem xét việc mở một trụ sở toàn cầu vào đầu tháng 12 tại một trong 3 địa điểm: Singapore, London hoặc Dublin. Hiện danh sách văn phòng đại diện của Tiktok tại 11 thành phố trên khắp thế giới đều nằm ngoài Trung Quốc.
Gần đây, TitTok cũng mới bổ nhiệm Kevin Mayter, Giám đốc điều hành lâu năm của Walt Disney, làm CEO và làm việc tại văn phòng được đặt ở Los Angeles. Công ty cho biết họ không cho phép người điều hành Trung Quốc xử lý nội dung của TikTok.
ByteDance còn một chặng đường dài để thuyết phục các nhà phê bình. Liệu cấu trúc doanh nghiệp mới có thể loại bỏ được sự can thiệp của Bắc Kinh hay không, điều đó thật khó hình dung.
Nghĩa Lê (WSJ)