Tổng thống Joe Biden hôm 3/3 cho biết dự kiến tới cuối tháng 5, Mỹ sẽ có đủ vaccine cho tất cả người trưởng thành, sớm hơn so với dự kiến hai tháng. Trước đó, ông cam kết 400 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ đến với người Mỹ trước thời điểm nói trên.
Ngày 10/3, Tổng thống Biden thông báo mua thêm 100 triệu liều vaccine của Johnson & Johnson vào cuối năm nay. Số vaccine này sẽ dành cho trẻ em và tiêm nhắc lại nhằm đối phó với các biến thể virus mới. "Nếu có thừa vaccine, chúng ta sẽ chia sẻ với các nước khác", ông Biden phát biểu.
Các chuyên gia nhận định với số lượng vaccine dồi dào, chính quyền cần nhanh chóng thuyết phục người dân tiêm phòng. Nếu không, khối lượng vaccine tồn đọng có thể đe dọa đại cục chống dịch.
Theo Bernadette Boden-Albala, trưởng ban y tế công cộng tại Đại học California, tình trạng dư thừa vaccine sẽ xảy ra ở một số nơi vào đầu tháng 4. "Khi có nhiều vaccine hơn, chúng ta phải đối mặt với thực tế sẽ có nhiều người không muốn tiêm", bà Boden-Albala nhận định. Những vấn đề khác cản trở tiêm chủng như quá tải hệ thống đăng ký được đặt ra.
Để giải quyết các thách thức trên, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp đầu tiên là khuyến khích người Mỹ đi tiêm phòng thông qua tuyên truyền. Nhóm dễ tiếp cận nhất là những người muốn tiêm vaccine Covid-19 nhưng ngại đăng ký vì những rắc rối nảy sinh từ quá trình này. Christopher Morse, chuyên gia về truyền thông sức khỏe tại Đại học Bryant ở Smithfield, Rhode Island, cho biết, với nhóm này, cần nhấn mạnh thông điệp tiêm chủng nhanh chóng, dễ dàng và miễn phí. Theo ông, không nên tuyên bố rằng chúng ta có hàng đống vaccine, vì khi đó mọi người sẽ chần chừ hơn.
Các bang cũng cần đảm bảo có đủ các điểm tiêm phòng, đội ngũ nhân viên, đồng thời thu thập dữ liệu từ người tiêm để theo dõi phản ứng phụ. Minnesota sẵn sàng tăng gấp đôi số điểm tiêm chủng đại trà, theo Kris Ehresmann, giám đốc phòng chống bệnh truyền nhiễm của bang. New York đang tìm thêm 2.000 nhân viên tiêm vaccine và làm các công việc khác. Đợt tuyển dụng bắt đầu ở một số cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm Staten Island và Bronx. Tại California, chính quyền hạt Orange cử đội tiêm phòng gồm 8 thành viên đến các trại vô gia cư, nhà tù và các nhóm dân cư khó tiếp cận khác.
Chính phủ đang chuyển nhiều liều vaccine đến các hiệu thuốc bán lẻ. Đây là chính sách có từ thời ông Trump, nhưng chỉ mới triển khai vào tháng 2. Trong số 133.000 đơn vị phân phối vaccine trên toàn quốc, khoảng 53.000 là nhà thuốc.
Một câu hỏi đặt ra là nếu nước Mỹ dư thừa vaccine Covid-19 sẽ làm gì? Thomas Bollyky, giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết, nước này có thể giúp đỡ các quốc gia khác vì lý do y tế và chính trị.
Dịch bệnh không có biên giới. Nếu Covid-19 tiếp tục hoành hành ở những nơi khác, Mỹ vẫn gặp rủi ro. Hầu hết nước giàu đã bắt đầu tiêm phòng cho người dân, trong khi chỉ 4 trong số 29 nước có thu nhập thấp nhất làm điều này.
Khi Mỹ đang dành vaccine cho người dân trong nước, Nga và Trung Quốc cung cấp vaccine cho các quốc gia khác. Ông Bollyky cho biết: "Có báo cáo rằng chính quyền Biden đang xem xét việc tặng vaccine cho châu Á để đối phó với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng thông qua tài trợ vaccine".
Theo tiến sĩ Kelly Moore, phó giám đốc của Liên minh Hành động Tiêm chủng phi lợi nhuận, giúp đỡ nước nghèo không chỉ ghi điểm về mặt chính trị mà còn giúp bảo vệ người Mỹ khỏi dịch bệnh. Bà nói: "Virus sẽ trỗi dậy khi chúng ta mất cảnh giác hoặc cho phép nhiều người chưa tiêm phòng đi lại giữa các nước".
Mai Dung (Theo Washington Post, USA Today)