Chiến dịch không kích hôm 23/9 do Mỹ dẫn đầu nhằm vào một khu vực rộng lớn ở phía bắc Syria, tấn công nhiều mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) như: khu huấn luyện binh sĩ, trụ sở chính, kho thiết bị, trung tâm tài chính, xe vận tải và các phương tiện có vũ trang, LA Times dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc cho biết.
Kế hoạch này gần tương tự với sách lược mà Mỹ áp dụng ở Iraq từ đầu tháng 8, giới quan sát nhận xét. Với hơn 200 cuộc không kích lớn nhỏ, tới nay, sau hơn 6 tuấn, bước đi này vẫn chưa đem lại hiệu quả rõ ràng. Tuy sức mạnh của IS có suy giảm, nhưng các tay súng cực đoan vẫn nắm quyền kiểm soát nhiều địa điểm trọng yếu.
Hầu hết chuyên gia cho rằng trong công cuộc tiễu trừ IS, sự tham gia của lực lượng bộ binh đóng vai trò rất lớn.
Ở Iraq, Mỹ ít nhất vẫn nhận được sự phối hợp và ủng hộ của một số lực lượng trên bộ như nhóm dân quân Hồi giáo người Shiite, phe Peshmerga của người Kurd, và quân đội chính phủ.
Tại Syria, Washington phải đối mặt với vấn đề khó khăn hơn nhiều khi mà họ không thể tìm được một đối tác đủ độ tin cậy ngoài lực lượng phiến quân Syria theo đường lối ôn hòa thân phương Tây. Nhóm này gần đây liên tục thất thủ và đánh mất nhiều phần lãnh thổ vào tay IS.
Chính quyền Obama đang lên kế hoạch huấn luyện và trang bị cho phiến quân nhằm nâng cao sức chiến đấu của lực lượng này, trở thành đối trọng trên bộ, chống lại IS. Nhưng chuyên gia phân tích ngờ rằng số tiền 500 triệu USD Mỹ cam kết hỗ trợ không đủ để giúp nhóm lột xác và đẩy lùi bước tiến của quân khủng bố, những kẻ đang phát triển khá nhanh dựa vào số vũ khí chiếm được và nguồn tiền từ việc buôn lậu dầu mỏ cùng các hành vi phi pháp khác. Hơn nữa, phiến quân từng khẳng định nhiệm vụ chính của họ là lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad chứ không phải đánh bại IS.
Mặt khác, thời gian huấn luyện để nhóm này sẵn sàng hành động có thể lên tới nhiều năm. Những người giàu kinh nghiệm cho rằng đây không hẳn là phương pháp có thể đưa tới kết quả khả quan.
"Ta dành nhiều thời gian cùng hàng tỷ USD cố gắng xây dựng quân đội ở Afghanistan và Iraq, hãy nhìn xem ta đã thu được những gì", Joshua Landis, chuyên gia Trung Đông từ Đại học Oklahoma, nhận xét. "Ta không có đối tác ở Syria, đó là thực tế".
Đến giờ, người ta vẫn chưa rõ liệu các thành viên trong liên minh có thể theo chiến dịch tiêu diệt IS của Mỹ đến mức độ nào và tới khi nào. Harakat Hazm, một trong những nhóm ủng hộ phiến quân đường lối ôn hòa ở Syria, từng tiếp nhận vũ khí của Mỹ, hôm 23/9 ra thông báo lên án "hành vi can thiệp từ bên ngoài", ám chỉ cuộc không kích của Mỹ diễn ra sáng cùng ngày, sẽ "tấn công vào con đường cách mạng" ở Syria.
Máy bay chiến đấu của chính quyền Syria vài tuần gần đây cũng liên tục tấn công vào các vị trí của IS. Ông Assad thì luôn thể hiện mình là một bức tường kiên cố chống lại "chủ nghĩa khủng bố" trong khu vực, Patrick J.McDonnell từ tờ LA Times bình luận. Vì thế, nhiều nhà phân tích thúc giục chính quyền Mỹ thiết lập một liên minh có những điều kiện khắt khe và giới hạn nhất định với chính quyền Assad.
Nhưng ông Obama, người lên tiếng kêu gọi ông Assad từ bỏ quyền lực năm 2011, đã nhấn mạnh trong bài phát biểu trước dân chúng Mỹ hôm 10/9 rằng "chúng ta không thể dựa dẫm vào nhà nước chuyên khủng bố nhân dân, chế độ không thể giành lại tính hợp pháp đã đánh mất, của ông Assad".
Các đồng minh Saudi Arab, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, với đa phần dân cư là người Sunni, đã chi quá nhiều để loại bỏ Tổng thống Assad nên rất khó xa rời mục tiêu này.
Chính quyền các nước Arab tham chiến cũng rất dễ phải đối mặt với làn sóng phản đối từ người dân của họ. "Một phần dân chúng không đồng tình với ý tưởng người Sunni chống lại nhau", Mark Hertling, trung tướng về hưu, nhà phân tích của CNN, nhận định.
Các binh sĩ người Kurd cũng là một trong số đồng minh khu vực của Mỹ. Tuy nhiên, Washington vẫn đặt nhiều mối nghi ngờ về lực lượng này bởi mối quan hệ gần gũi của họ với đảng Công nhân người Kurd, một lực lượng du kích có trụ sở chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Bên cạnh đó, người Kurd chỉ chiếm thiểu số ở Syria và hoạt động của họ cũng giới hạn ở khu vực phía bắc đất nước.
Yezid Sayigh, cộng tác viên cao cấp tại Trung tâm Trung Đông Carnegie, Beirut, nhận định, ở cả Syria và Iraq, Mỹ đều phải đương đầu với "tình thế khó khăn trong tìm kiếm đối tác, những người có khả năng và sẵn sàng chiến đấu trên bộ mà lại không gây ra các vấn đề chính trị dễ dẫn tới sự chia rẽ lớn hơn".
Vũ Hoàng (theo LA Times)