Báo cáo được Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) trình lên quốc hội cho biết nước này đã chuyển giao tổng cộng 18,6 tỷ USD vũ khí cho Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF) giai đoạn 2005-2021. Trong số đó, 7,12 tỷ USD khí tài quân sự vẫn ở Afghanistan sau khi Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi nước này vào 30/8/2021, CNN hôm 27/4 dẫn số liệu từ báo cáo cho biết.
Các khí tài Mỹ bỏ lại ở Afghanistan có nhiều máy bay, phương tiện quân sự, vũ khí, đạn dược, thiết bị liên lạc cùng nhiều loại vật tư quân sự khác.
Trong số này có 78 máy bay với tổng trị giá 923,3 triệu USD được Mỹ trang bị cho ANDSF, hiện nằm tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul. Báo cáo của DoD cho biết số máy bay này đã được quân đội Mỹ vô hiệu hóa và không thể tiếp tục hoạt động.
12.000 xe thiết giáp Humvee cũng bị Mỹ bỏ lại ở Afghanistan. DoD cho hay họ "không rõ" về tình trạng hoạt động của các phương tiện này.
Quân đội Mỹ cũng để lại hơn 300.000 vũ khí hạng nhẹ và các loại đạn khác nhau với tổng trị giá 48 triệu USD. Gần như toàn bộ thiết bị liên lạc, thiết bị giám sát ban đêm đều nằm lại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.
Số khí tài này hiện nằm trong tay Taliban, nhưng Lầu Năm Góc không có kế hoạch trở lại Afghanistan để "thu hồi hoặc phá hủy" chúng.
Giới quan sát lo ngại chính quyền Taliban có thể bán kho vũ khí, trang bị Mỹ mà họ thu được ra thị trường chợ đen khắp khu vực, thu về nguồn lợi khổng lồ trong nhiều thập kỷ tới.
Colin Clarke, giám đốc chính sách và nghiên cứu của tổ chức The Soufan Group, cho biết những nhóm như Taliban thường không lập tức bán các vũ khí hạng nhẹ thu được. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nếu Taliban không thể tiếp cận nguồn tiền dự trữ ở nước ngoài lẫn viện trợ quốc tế. Khi đó, bán vũ khí là phương án khả thi giúp Taliban có nguồn thu quan trọng để điều hành đất nước.
Guy Lamb, giám đốc bộ phận nghiên cứu về an ninh và bạo lực quốc tế thuộc Đại học Cape Town, lo ngại số vũ khí Mỹ bỏ lại ở Afghanistan có thể lọt vào tay nhiều nhóm phiến quân khác ở trong và ngoài Afghanistan, trong đó có Pakistan.
Tuy nhiên, báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nêu rõ phần lớn thiết bị quân sự Mỹ bỏ lại tại Afghanistan cần được "bảo dưỡng chuyên biệt" mà Taliban gần như không thể thực hiện.
Các khí tài đắt giá như máy bay A-29 hay trực thăng Black Hawk đòi hỏi kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa phức tạp, dễ dàng bị vô hiệu hóa một khi mất nguồn cung ứng phụ tùng từ Mỹ.
Tháng 10/2001, Mỹ đưa quân vào Afghanistan để lật đổ Taliban, bắt đầu cuộc chiến dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử, với gần 2.300 tỷ USD được đổ vào nước này trong 20 năm.
Đức Trung (Theo CNN/Politico)