Lầu Năm Góc hôm 21/7 cho biết binh sĩ thuộc Trung đoàn thủy quân lục chiến số 3 đã bắn tổng cộng 56 quả đạn phi sát thương gián tiếp (NL-IDFM) tại bãi thử Pohakuloa trên đảo Hawaii. Đây là một phần trong nội dung diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018, cũng là lần thử nghiệm thực tế đầu tiên của loại đạn cối phi sát thương gây choáng cỡ 81 mm này, Drive đưa tin.
"Bộ binh Mỹ hiện không thể bắn đạn phi sát thương ở tầm xa. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển lại đạn cối có thể cung cấp hỏa lực chế áp không gây chết người ở tầm bắn tương đương các hệ thống cối trong biên chế", Michael Markowitch, kỹ sư thuộc tập đoàn Picatinny Arsenal của lục quân Mỹ, tuyên bố.
Đạn NL-IDFM được phát triển từ mẫu đạn pháo sáng M853A1, bên trong chứa 14 quả lựu đạn choáng cỡ nhỏ. Mỗi quả lựu đạn choáng này có thể tạo ra tiếng ồn lên tới 180 decibel, khiến đối phương đau đớn và có khả năng gây điếc vĩnh viễn nếu nạn nhân phải chịu đựng trong thời gian dài. Ngoài ra, nó còn tạo ra chớp sáng tương đương một triệu ngọn nến ở khoảng cách 1,5 m và gây mù lòa tạm thời.
Quả đạn NL-IDFM được bắn như đạn cối thông thường. Sau khi đạt độ cao 200 m, nó sẽ tách làm đôi để giải phóng 14 quả lựu đạn choáng trang bị ngòi nổ chậm. Số lựu đạn choáng này sẽ rơi xuống đất trước khi kích hoạt để đạt hiệu quả tối đa trong việc gây tê liệt đối phương.
Đạn cối NL-IDFM có tầm bắn 490-1.640 m tùy vào liều phóng, có thể bao phủ diện tích 370 mét vuông, phù hợp với nhiệm vụ giải tán đám đông, đánh lạc hướng và vô hiệu hóa bộ binh địch hoặc bảo vệ cơ sở ngoại giao ở nước ngoài.