"Chúng tôi đã hạ nó thành công và tôi muốn khen ngợi các phi công đã làm được điều đó", Tổng thống Joe Biden nói ngày 4/2.
Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết chiến đấu cơ F-22 xuất phát từ căn cứ không quân Langley ở Virginia hạ chiếc khí cầu vào lúc 14h39 ngày 4/2 (2h39 sáng 5/2 giờ Hà Nội), sử dụng một tên lửa không đối không AIM-9X.
Khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ hơn 11 km trên vùng biển tương đối nông, giúp dễ dàng thu gom các mảnh vỡ trong những ngày tới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay bày tỏ không hài lòng và phản đối mạnh mẽ động thái sử dụng vũ lực tấn công khí cầu của nước này. Họ cho biết đã yêu cầu Mỹ xử lý vấn đề một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế nhưng Mỹ "phản ứng thái quá và vi phạm thông lệ quốc tế".
"Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp có liên quan", cơ quan này nói thêm, đồng thời để ngỏ khả năng "đưa ra thêm các phản ứng cần thiết".
Ông Biden đã ra lệnh bắn hạ khí cầu vào ngày 1/2, nhưng Lầu Năm Góc khuyến nghị nên đợi đến khi có thể thực hiện việc đó trên mặt nước, nhằm đảm bảo dân thường không gặp nguy hiểm vì các mảnh vỡ rơi xuống mặt đất.
Khí cầu được phát hiện đi vào không phận Mỹ ngày 28/1 trước khi di chuyển sang không phận Canada vào ngày 30/1. Sau đó, nó trở lại không phận Mỹ vào ngày 31/1, theo một quan chức quốc phòng Mỹ. Các quan chức Mỹ đã không tiết lộ công khai về sự hiện diện của khí cầu cho đến ngày 2/2.
Washington cho rằng đây là khí cầu do thám, gọi đó là "sự vi phạm rõ ràng" chủ quyền của Mỹ và đã thông báo cho Bắc Kinh về vụ bắn hạ ngày 4/2. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng khí cầu được Trung Quốc sử dụng "để cố gắng do thám các địa điểm chiến lược ở Mỹ". Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đánh giá thiết bị này có "giá trị hạn chế" trong thu thập thông tin tình báo, không đem lại dữ liệu nào khác biệt với những hình ảnh từ vệ tinh do thám trên quỹ đạo.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó nói rằng sự xuất hiện của khí cầu ở Mỹ là "tai nạn bất khả kháng" và Bắc Kinh "chưa bao giờ vi phạm lãnh thổ, không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào". Cơ quan này cho biết đây là khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học khác. Đồng thời, Bắc Kinh cáo buộc chính trị gia, truyền thông Mỹ "lợi dụng vụ khí cầu bay lạc" vào lãnh thổ Mỹ để "làm mất uy tín" của Bắc Kinh.
Song Lầu Năm Góc đánh giá khí cầu này là hoạt động mới nhất trong chuỗi hoạt động khí cầu do thám mà Trung Quốc tiến hành trên toàn cầu. Ngày 3/2, Mỹ cho biết một khí cầu khác của Trung Quốc đang bay qua Mỹ Latinh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo hoãn chuyến thăm Trung Quốc, vốn được lên kế hoạch diễn ra cuối tuần này, sau sự cố khí cầu. Động thái này được xem là đòn giáng mạnh vào những người xem đây là cơ hội để bình ổn mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa hai nước.
Thanh Tâm (Theo Reuters)