Bộ Tài chính Mỹ hôm 24/3 thông báo áp lệnh trừng phạt đối với chiếc Boeing 737 mà Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và gia đình sử dụng cho các chuyến công tác và lịch trình cá nhân trong và ngoài nước.
Lệnh trừng phạt cấm bất kỳ cá nhân và tổ chức nào của Mỹ giao dịch với đối tượng bị nhắm mục tiêu, đồng nghĩa sẽ khiến bên vận hành chuyên cơ gặp khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ và phụ tùng thay thế.
Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với Nhà máy Ôtô Belarus và Nhà máy Ôtô Minsk, các nhà sản xuất ôtô và xe tải lớn. Hai nhà máy này bị Mỹ cáo buộc đe dọa nhân viên "tham gia đình công và biểu tình ôn hòa sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 8/2020".
Theo Bộ Tài chính Mỹ, những người tham gia biểu tình bị đe dọa và bị sa thải tại Nhà máy Ôtô Minsk, bị dọa đuổi việc tại Nhà máy Ôtô Belarus.
Cơ quan này cũng đưa vào danh sách đen một số thành viên được bổ nhiệm gần đây của Ủy ban Bầu cử Trung ương Belarus, cơ quan vốn đã chịu các lệnh trừng phạt của Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau đó ra tuyên bố cáo buộc cuộc bầu cử tổng thống Belarus hồi tháng 8/2020 là "gian lận" và sẽ tiếp tục trừng phạt những người chịu trách nhiệm.
Giới chức Belarus chưa lên tiếng về động thái của Bộ Tài chính Mỹ.
Các cuộc biểu tình lớn xảy ra sau khi Tổng thống Lukashenko tuyên bố đắc cử nhiệm kỳ thứ sáu gần ba năm trước. Lukashenko, người nắm quyền 26 năm, giành chiến thắng với khoảng 80% phiếu bầu. Phe đối lập cáo buộc kết quả này là gian lận, nhưng ông Lukashenko bác bỏ. Mỹ, Anh và EU cũng không công nhận kết quả bầu cử này.
Belarus là đồng minh thân cận của Nga và cho phép nước láng giềng sử dụng lãnh thổ để tiến công Ukraine. Tổng thống Lukashenko tháng 7 năm ngoái mô tả Belarus "là quốc gia duy nhất trên thế giới ủng hộ Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít". Mỹ và phương Tây đã áp các biện pháp trừng phạt với Minsk.
Huyền Lê (Theo AFP)