Thỏa thuận hợp tác an ninh này được thông báo trong cuộc họp trực tuyến ngày 15/9 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison.
Theo đó, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Australia chế tạo hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu này chỉ sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân để đối phó với những mối đe dọa tương lai, nhưng không trang bị vũ khí hạt nhân chiến lược.
"Chúng tôi đều nhận thấy nhu cầu bảo đảm hòa bình và ổn định dài hạn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi cần tính đến môi trường chiến lược hiện tại ở khu vực, cũng như tương lai của mỗi quốc gia. Thực tế là thế giới phụ thuộc vào sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong hàng chục năm tới", Biden cho hay.
Thủ tướng Morrison cho biết Australia dự kiến đóng 8 tàu ngầm hạt nhân ở thành phố miền nam Adelaide, nhấn mạnh Canberra sẽ tuân thủ mọi cam kết về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Quan chức Mỹ giấu tên cho biết đây là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa lãnh đạo chính trị và quân sự của ba nước, trong đó Anh muốn thể hiện vai trò lớn hơn ở khu vực.
Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân cho một quốc gia kể từ sau lần chuyển giao cho Anh vào năm 1958. "Đó là công nghệ cực kỳ nhạy cảm, đây có thể coi là ngoại lệ với nhiều chính sách của chúng tôi. Điều này sẽ không diễn ra trong tương lai. Chúng tôi coi đây là sự kiện chỉ diễn ra một lần", quan chức giấu tên nói thêm.
Australia là quốc gia biển và sở hữu lực lượng hải quân hùng hậu, nhưng hiện chỉ có 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Collins được biên chế từ năm 1996. Đây là phiên bản mở rộng của lớp tàu ngầm Type 471 do Thụy Điển phát triển, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.400 tấn khi lặn.
Vũ Anh (Theo Reuters)