The Information dẫn ba nguồn tin thân cận cho biết vài tuần qua, tỷ phú Mỹ đã tiếp cận một số nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo để bàn về việc thành lập phòng thí nghiệm mới nhằm phát triển giải pháp thay thế cho ChatGPT. Trong số đó có Igor Babuschkin, cựu chuyên gia cấp cao của Google DeepMind và OpenAI.
Babuschkin xác nhận việc rời DeepMind tuần trước, nhưng chưa chính thức đầu quân cho Musk. Ông cho biết "muốn làm việc với Musk" để tạo ra một thứ gì đó trong không gian LLM (mô hình ngôn ngữ lớn). Đây là công nghệ đứng sau thành công của ChatGPT. Tuy nhiên, theo ông, việc tạo một chatbot không được kiểm soát chặt chẽ không phải mục tiêu của tỷ phú Mỹ.
Elon Musk đồng sáng lập OpenAI từ 2015 cùng một số nhân vật nổi tiếng như Sam Altman, Reid Hoffman, Peter Theil. Ban đầu, đây là tổ chức mã nguồn mở và hoạt động phi lợi nhuận. Họ tập trung phát triển AI nhằm làm đối trọng với Google, vì cho rằng gã khổng lồ công nghệ không quan tâm đúng mức đến sự an toàn của AI.
Đến tháng 2/2018, Musk từ chức chủ tịch công ty. Năm 2020, ông tỏ ra không hài lòng khi OpenAI cấp giấy phép cho Microsoft khai thác độc quyền GPT-3. "Điều này đi ngược sứ mệnh mở ban đầu. OpenAI về cơ bản đã bị Microsoft chiếm", Musk bình luận trên Twitter khi đó.
Gần đây, ông cũng chỉ trích OpenAI vì không có biện pháp ngăn ChatGPT tạo ra các cuộc hội thoại chứa thông tin sai lệch hoặc xúc phạm người dùng. Tháng 12/2022, ông đăng trên Twitter hình ảnh ChatGPT từ chối tranh luận về việc ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Khi đó, ông nói: "Có mối nguy lớn trong việc huấn luyện AI nói dối". Sau đó, ông lại cho rằng "ChatGPT tốt đến đáng sợ".
ChatGPT được đánh giá là một trong những đột phá công nghệ lớn năm qua. Sau khi ra mắt, nó đã phả hơi nóng vào cuộc đua trí tuệ nhân tạo, buộc các ông lớn công nghệ phải hành động. Từ những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon đến các công ty khởi nghiệp châu Á đều tuyên bố tham gia vào làn sóng siêu AI.
Bất chấp sức hút của ChatGPT, giới chuyên gia cũng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến AI này. Một trong những điều cộng đồng lo lắng là khả năng tự sáng tác câu trả lời. Sam Altman, CEO OpenAI, cũng cho biết kết quả đầu ra của ChatGPT thực tế chứa nhiều lỗi. "Nó biết rất nhiều, nhưng điều nguy hiểm là nó tự tin và sai một phần đáng kể", ông viết trên Twitter đầu tháng 12/2022.
Khương Nha