Trong đó, cách làm phổ biến nhất là ủng hộ tài chính, đặc biệt là vào quỹ vaccine của Chính phủ. Mới đây, Forbes Việt Nam đã ghi nhận sự đóng góp của hơn 30 doanh nghiệp (không xếp hạng mức độ đóng góp), có thể kể đến như Samsung, Vinamilk, VNG, ACB, Cen Group...
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dale Carnegie, tổ chức giáo dục nhượng quyền toàn cầu, đánh giá các hoạt động vì cộng đồng của các doanh nghiệp thể hiện cái nhìn đầy lạc quan giữa mùa dịch căng thẳng.
"Không còn là sự chọn lựa, nhận thức về trách nhiệm và hành động quyết liệt để khẳng định trách nhiệm xã hội đã trở nên bắt buộc trong tình thế hiện nay", bà Linh nói và dẫn một bài viết từ Harvard Business Review rằng doanh nghiệp không thể phát triển trong một môi trường có nhân viên, khách hàng và cộng đồng không lành mạnh, một hành tinh đầy rủi ro và một xã hội rạn nứt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng nguồn ngân sách để đóng góp bằng tài chính. Kinh nghiệm của một số chuyên gia và doanh nghiệp cho thấy, có nhiều cách khác nhau để vận dụng.
Đóng góp bằng sản phẩm thế mạnh
Một hình thức đóng góp được nhiều doanh nghiệp ở nhiều quy mô khác nhau áp dụng một phần hay toàn bộ là đóng góp bằng chính sản phẩm của mình. Đơn cử, Vingroup đã nhanh chóng cung ứng 100 lô máy thở cho Bắc Giang. Hay VGH trao 100.000 chiếc khẩu trang y tế cao cấp VG Pro Mask đến các cán bộ y tế tuyến đầu.
Trung tuần tháng 6, có 1.000 chiếc giường giấy do SCGP sản xuất cũng đã được trao tặng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM để chuyển giao cho các đơn vị y tế và các khu cách ly. 1.000 chiếc khác được tặng cho Bình Dương và Long An.
Một số công ty trong các ngành thực phẩm, dược phẩm cũng tận dụng thế mạnh của mình. Gần đây, Altai Sibiri, một công ty dược phẩm đã nấu liên tục trong một tuần lễ 7.500 suất cháo nhung hươu phối hợp cùng các tình nguyện viên Bắc Giang để bổ sung thêm bữa ăn các y bác sĩ tại đây.
Ở TP HCM, chương trình Vòng Tay Việt của Hội hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức hàng loạt đợt phát quà người khó khăn, tương trợ đội ngũ y tế và 13 siêu thị 0 đồng với nhiều đóng góp là hiện vật do chính các doanh nghiệp sản xuất. Một số ví dụ như bún gạo của Duy Anh Foods, nước mắn của Khải Hoàn, gạo của Louis Rice, gel rửa tay của Lix hay chuối của Union Trading...
Tích hợp kinh doanh và đóng góp
Một số doanh nghiệp, thương hiệu vận dụng cách thức đóng góp vào quỹ Covid-19 thông qua việc trích tiền từ các chiến dịch bán hàng. Như chương trình "Bobby cùng mẹ chung tay đánh bay Covid" từ thương hiệu tã Bobby của Diana Unicharm, "Gói cước Covid" của các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone hay "Trợ giá mùa dịch" từ thương hiệu thời trang Yody...
Ông Nguyễn Việt Hoà, CEO của Yody lý giải, không chỉ mang ý nghĩa về mặt xã hội, dự án thậm chí còn có giá trị về mặt kinh doanh. Cụ thể, ông giảm giá các mặt hàng bán chạy nhất với mức từ 30-40%. Nhờ đó, người mua hàng vừa được hưởng các quyền lợi về mua sắm, vừa có thể đóng góp vào một hoạt động thiết thực để chống dịch.
Kết quả, trong 11 ngày triển khai, công ty này bán được hơn 173.000 sản phẩm trợ giá, trích ra được hơn 1,7 tỷ đồng vào quỹ vaccine, vượt mục tiêu ban đầu là 500 triệu đồng. Đồng thời, doanh số bán hàng trong thời gian đó tăng trưởng 17%.
Ông Hoà còn cho biết, lợi ích kép này tương tự như một hình thức kích cầu, giúp khách hàng dễ "mở lòng" hơn khi chọn mua sản phẩm. Với nội bộ, cách thức này còn giúp "hâm nóng" đội ngũ, tái thiết sự gắn kết của nhân viên vì họ cảm thấy ý nghĩa trong công việc mình làm.
Phát triển CSR thành CSV
Việc trích một phần tiền từ mỗi sản phẩm/dịch vụ bán ra mùa dịch để góp vào quỹ vaccine, theo bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh là một phần của xu hướng thực hiện CSV của doanh nghiệp và cần được mở rộng.
Nếu CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) là công cụ giúp thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và độc lập với kế hoạch kinh doanh; thì CSV (Creating Shared Values - tạo lập giá trị sẻ chia) lại là chiến lược kinh doanh bao hàm cả mục tiêu kinh tế lẫn xã hội.
Thông thường, CSR được dư luận biết đến nhiều hơn trong khi CSV do đặc thù, thường được thể hiện dưới hình thức một dự án hợp tác chiến lược hoặc chiến dịch kinh doanh tổng thể nên khó nhận biết hơn.
"Song trên thực tế, các giá trị chia sẻ của CSV lại đang là định hướng chính trong các hoạt động xã hội của doanh nghiệp hiện nay, nhất là với các doanh nghiệp lớn", bà Linh nhận xét.
Nhìn chung, khi áp dụng xu hướng CSV ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp không chỉ thực hiện hoá những nhu cầu thức thời xã hội mà còn đáp ứng các vấn đề kinh tế của tổ chức khi bị đặt trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid19.
Đơn cử trong lĩnh vực bán lẻ, theo vị chuyên gia, chuỗi siêu thị bán sỉ lớn có thể hỗ trợ, đào tạo cho nông dân chiến lược hay cách thức để gia tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chiến lược thúc đẩy nguồn cung ứng địa phương vừa giúp doanh nghiệp tối đa hóa chi phí, gia tăng lợi nhuận, vừa hỗ trợ phát triển nâng cao doanh số cũng như cả lợi nhuận bền vững cho nông dân.
Một động lực lớn cũng đang thay đổi cách doanh nghiệp nhìn nhận về CSR, đó là các nhà đầu tư lớn trên thế giới ngày càng quan tâm hơn đến ESG. Đây là ba trụ cột liên quan đến môi trường (Environment), xã hội (Society) và quản trị (Governance).
Còn theo ông Nguyễn Việt Hoà, nên xem trách nhiệm xã hội là một phần quan trọng của văn hóa doanh nghiệp. "CSV cần được tạo dựng từ chính động lực lan tỏa giá trị tốt đẹp đến cộng đồng của doanh nghiệp", ông nêu kinh nghiệm.
Viễn Thông