Tôi có chơi với một cậu em cách tôi hơn 10 tuổi, thuộc Gen Z. Tính tình, cách sống của cậu em này đều khá ổn. Duy có một điều tôi không thấy ưng cho lắm - ấy là cậu này thích thể hiện mình bằng graffiti.
Bố mẹ cậu này than ngắn thở dài về việc những bức tường ở nhà bị cậu... bôi bẩn, đem ra để thực hành môn nghệ thuật tự tìm hiểu qua mạng này. Và khi bị bố mẹ ngăn cấm, bắt tự kiếm tiền sơn lại tường nhà, thì cậu "trút" cái gọi là đam mê kia lên nhà hàng xóm và các công trình công cộng.
Điều này gây thêm phiền toái cho bố mẹ cậu khi liên tục bị réo tên để chịu trách nhiệm cho những hành vi "bôi bẩn" trong mắt mọi người do cậu gây ra.
Biết vẽ bậy gây ảnh hưởng đến gia đình, thậm chí tốn kém và lãng phí cả tiền của cho việc sửa sai sau đó - vậy mà không hiểu sao cậu em này vẫn không chịu tỉnh ngộ và từ bỏ?
Tôi lựa tìm cách trò chuyện, dò hỏi để tìm câu trả lời cho thắc mắc ấy của mình thì được biết có những nhóm graffiti theo xu hướng... phá phách. Càng "phá", vẽ bậy được nhiều thì lại càng được các thành viên trong nhóm tôn trọng, đánh giá cao vì... có gan đi vẽ bậy.
"Cảm giác lén lút khi vẽ... Rồi thậm chí là cảm giác bị ai đó rượt đuổi khi phát hiện cũng rất đặc biệt" - Cậu này nói.
Chia sẻ vấn đề này cho một anh bạn của tôi đang làm nghiên cứu về nghệ thuật ở châu Âu, anh cũng thở dài trước hiện tượng nghệ thuật graffiti đang bị biến tướng, có dấu hiệu thành một trào lưu mang tính a dua, thể hiện sự phản kháng, bế tắc, giải tỏa áp lực của một bộ phận những người trẻ tại Việt Nam.
Anh bạn tôi cũng cho biết trong giới graffiti những người mới tìm hiểu, mới tập chơi được gọi là những "vandal" (tạm dịch là người vẽ bậy) thường vẽ lén lút vào ban đêm hoặc thời điểm ít người để ý.
Việc làm xấu cảnh quan này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng graffiti chân chính. Bởi cách mượn danh đam mê, sự tự phát và ngông cuồng thể hiện bản thân không đúng nơi đúng chỗ của các "vandal" này sẽ khiến cho cộng đồng nhìn graffiti với cái nhìn xấu xí.
"Nghệ thuật là khi người ta cho phép bạn làm điều đó. Và bạn làm nó với sự tâm huyết, chờ mong nó được cộng đồng đón nhận, góp một thông điệp nào đó cho cộng đồng. Còn nếu bạn tự ý làm mà không có sự đồng ý thì đó gọi là phá hoại. Và như thế, đó sẽ là hành vi vi phạm pháp luật" - Anh bạn tôi nói.
Có lẽ đó cũng chính là nguyên nhân mà graffiti tại phương Tây là môn nghệ thuật có thể được đánh giá cao - nhưng du nhập vào Việt Nam thì dường như chỉ dừng ở những phong trào tự phát nhỏ lẻ, khó để phát triển thành nghệ thuật đỉnh cao và thúc đẩy thẩm mỹ xã hội.
Thậm chí các cá nhân tìm hiểu về graffiti với những góc nhìn, hiểu biết sai lệch sẽ ngày càng lún sâu vào con đường phá hoại mà lại lầm tưởng, ngộ nhận là nghệ thuật chân chính.
Còn nhớ hai toa tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP Thủ Đức, TP HCM) bị xịt sơn, vẽ bậy đã gây nhiều bức xúc trong dư luận vào năm 2022. Rồi hàng loạt các hình vẽ bẩn tại các trạm chờ xe buýt, các công trình công cộng khác.
Nhiều người trong cộng đồng graffiti Việt Nam đều đưa ra nhận định đó là hình thức vẽ bombing (tức "đánh bom", vẽ nhanh các bức vẽ đơn giản hoặc ký tên mà không xin phép ở các ga tàu hoặc nơi công cộng).
Kiểu vẽ bombing này là văn hóa đã có từ lâu ở phương Tây, đặc biệt ở Mỹ, khi văn hóa hip hop và đường phố phát triển mạnh mẽ. Các nghệ sĩ khi đó thường vẽ tác phẩm graffiti của mình lên toa tàu công cộng. Khi đoàn tàu di chuyển khắp thành phố thì tên của họ cũng được nhiều người biết đến.
Hồi tháng 7, hai người nước ngoài vẽ bậy ở quận 1 bị trục xuất tôi thực sự thấy hoang mang trước nạn vẽ bẩn này.
Gần 20 bình phun sơn và cọ vẽ các loại của hai người trên bị tổ tuần tra thu giữ. Và họ khai đã cùng nhau đi mua sơn xịt, cọ vẽ để vẽ graffiti tại các công viên, cửa cuốn nhà dân hoặc các hàng rào mái tôn ở các bãi đất trống.
Điều này cho thấy có một bộ phận không nhỏ người nước ngoài như là những... con nghiện của graffiti không thể kiểm soát hành vi - muốn tìm nơi để "giải tỏa" bức xúc, bế tắc, phản kháng cá nhân.
Và sẽ đáng quan ngại vô cùng khi những "con nghiện" ấy có mặt ở các thành phố lớn, các công trình di tích lịch sử của Việt Nam. Không ai có thể lường trước được việc các không gian công cộng, di tích lịch sử của chúng ta sẽ bị các "con nghiện" này tấn công, phá hoại bất cứ khi nào.
Và như thế, hành vi vẽ bậy, bôi bẩn công trình, cảnh quan đô thị không đơn thuần là một tệ nạn đáng lên án, mà cần được xem như một hành vi vi phạm pháp luật để kiên quyết loại trừ tận gốc, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự với các trường hợp đủ căn cứ.
Pháp luật hiện nay đã có những chế tài xử lý nghiêm những đối tượng vẽ bậy, tuy nhiên để xử lý thì cần sự chung tay và giám sát của người dân.
Bên cạnh đó, tư duy phòng cháy hơn chữa cháy vẫn luôn có giá trị trong việc cần thiết giáo dục về nhận thức cho học sinh, sinh viên.
Khi cấp Visa cho du khách đến Việt Nam, các Đại sứ quán Việt Nam tại tất cả các nước cũng cần phổ biến rõ hành vi tự ý vẽ bậy, vẽ graffiti không có sự cho phép trên nhà ở, các công trình công cộng, di tích tại Việt Nam đều bị coi là phá hoại và vi phạm pháp luật.
Sự phối hợp hài hòa trong giáo dục kết hợp tuyên truyền và răn đe như vậy sẽ là một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn, giảm tải hành vi mượn danh graffiti vẽ bậy, thách thức dư luận và pháp luật.